Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 1,5% xuống 32.781,54 điểm; còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,7% xuống 18.889,97 điểm. Hiện nay, thị trường đang hướng sự chú ý vào Nhật Bản sau khi các số liệu lạm phát cao hơn dự báo làm dấy lên đồn đoán về khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể chuyển hướng chính sách tiền tệ cực lỏng. Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất đã đem lại sự lạc quan cho thị trường chứng khoán trong nửa đầu tháng 6. Tuy nhiên, cảnh báo mới đây từ Chủ tịch Fed Jerome Powell về việc tiếp tục tăng lãi suất đã khiến các nhà giao dịch gặp khó khăn. Ngày 21/6, phát biểu trên tại phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất nhưng với tốc độ chậm hơn. Ngân hàng trung ương Anh ngày 22/6 đã quyết định nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trước nhiều thông tin cho thấy tình hình lạm phát cao tại nước này sẽ kéo dài lâu hơn. Cụ thể, BoE đã nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm từ 4,5% lên 5%, mức cao nhất kể từ năm 2008 và đợt nâng lãi suất này cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2. Cùng ngày 22/6, Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ thông báo quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 1,75%. Đây là lần tăng thứ năm liên tiếp và được xem là động thái nhằm xử lý các vấn đề liên quan tới tình trạng lạm phát ở quốc gia châu Âu này. Chuyên gia Kristina Hooper tại công ty quản lý đầu tư Invesco cho biết hai đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay có nguy cơ gây ra một "cuộc suy thoái đáng kể". Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng mối đe dọa suy thoái đã lắng xuống, khi thị trường lao động phục hồi và lạm phát chậm lại./. |