Chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm UBTCNS, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và đại diện một số bộ, ngành liên quan.
Tạo khuôn khổ pháp lý để chống chuyển giá
Phát biểu tại hội thảo, ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng (Ngân hàng Thế giới - WB) cho rằng, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có nhiều điều khoản tạo khuôn khổ pháp lý, lồng ghép được những thông lệ tốt của quốc tế trong quản lý thuế, như: quản lý rủi ro, xử lý các rủi ro liên quan đến chuyển giá, các quy định về hóa đơn diện tử, khai và nộp thuế điện tử... Điều này giúp Việt Nam quản lý thuế tốt hơn, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.
Cũng theo ông Sebastian Eckardt, những điều khoản trong dự thảo luật đảm bảo hài hòa, thống nhất với các luật liên quan, như Luật Kế toán, Luật Khiếu nại tố cáo... Điều này đảm bảo rằng các đối tượng nộp thuế có thể có một khuôn khổ pháp lý và họ có khả năng tiên liệu được tính thống nhất, nhất quán giữa các luật, các quy định liên quan đến quản lý thuế.
Góp ý về các quy định cụ thể của luật, ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh một số nội dung được cho là quan trọng của dự thảo luật. Thứ nhất, là nội dung liên quan đến các đối tượng nộp thuế có giao dịch liên kết. “Chúng tôi ghi nhận đây là lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên, có nhiều bước tiến quan trọng, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia chương trình chống xói mòn cơ sở thuế, cũng như chuyển lợi nhuận (Beps). Đặc biệt, với việc thông qua Nghị định 20/2017/NĐ-CP, Việt Nam đã đạt được bước tiến rất lớn, đưa ra được khuôn khổ pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế trong công tác quản lý thuế” - ông Sebastian Eckardt nói.
Nội dung thứ hai được cho là quan trọng và tiến bộ - đó là dự thảo luật đáp ứng được mục tiêu quản lý thuế hiện đại, chú trọng đến khai nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử… Đây là hướng đi phù hợp cho Việt Nam. Tuy nhiên, ông Sebastian Eckardt cũng băn khoăn về quy định người nộp thuế khai thuế bổ sung (Điều 47). Theo đại diện WB, hiện pháp luật thuế của Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc tự khai, tự nộp. Cơ quan thuế mới có quyền điều chỉnh, yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung, còn người nộp thuế không được phép tự điều chỉnh. Nếu quy định như vậy thì người nộp thuế sẽ không tự giác, có thể trục lợi và là kẽ hở cho người nộp thuế có thể lách luật. Vì thế, đại diện WB khuyến nghị, nên cân nhắc quy định này để tránh được những hệ lụy không mong muốn.
Liên quan đến ý kiến này, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và xem xét lại quy định này trong dự thảo.
Tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm UBTCNS cho biết, Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2018). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với nhiều nội dung định hướng tiếp thu giải trình của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo trình, đồng thời tiếp tục đề nghị hai cơ quan nghiên cứu về tính cụ thể, tính thống nhất của Luật Quản lý thuế với Luật Hải quan, Luật Xử phạt vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại, tố cáo; về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước; về hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp…
“Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến về các điều khoản cụ thể của dự thảo luật, để từ đó sẽ tiếp thu các ý kiến xác đáng hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội” - ông Hải nói.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTCNS và Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo những quy định của luật công khai, minh bạch, rõ ràng, tăng nguồn thu ngân sách, giảm chi phí thu thuế nhưng cũng phải tránh thất thu thuế, đảm bảo tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước.
Liên quan đến vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong quản lý thuế, một đại diện WB đã chia sẻ nghiên cứu của mình. Theo ông, nghiên cứu kinh nghiệm 50 - 70 nước cho thấy, không có quốc gia nào kiểm toán nhà nước tham gia vào thanh tra, đưa ra quyết định về nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Nhiệm vụ chính của kiểm toán ở các nước là kiểm toán hoạt động của cơ quan thuế, nhưng với hoạt động của doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân thì không có chuyện kiểm toán nhà nước kiểm toán và tham gia vào quyết định mang tính chất ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. |
Nhật Minh - Minh Anh