Huyện Ngọc Hiển nằm ở vùng sâu, vùng còn khó khăn, 3 mặt của huyện đều tiếp giáp biển, có bờ biển dài gần 100 km, đời sống Nhân dân chủ yếu dựa vào nghề khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, số ít kinh doanh, mua bán nhỏ.
Huyện Ngọc Hiển nằm ở vùng sâu, vùng còn khó khăn, 3 mặt của huyện đều tiếp giáp biển, có bờ biển dài gần 100 km, đời sống Nhân dân chủ yếu dựa vào nghề khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, số ít kinh doanh, mua bán nhỏ. Do điều kiện chia cắt nên Đài Truyền thanh huyện Ngọc Hiển đóng vai trò chủ lực trong việc chuyển tải thông tin, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân. Đồng thời, đây là kênh thông tin để chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để Nhân dân áp dụng vào sản xuất.
Hơn 10 năm qua, Ðài Truyền thanh huyện Ngọc Hiển trải qua nhiều bước thăng trầm, bởi những ngày đầu sau khi thành lập, đơn vị nhân sự chỉ có 4 người, khi đó chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức còn rất non trẻ, đa phần chỉ mới vào ngành. Các thiết bị, máy móc, hoạt động chuyên môn đều bố trí tạm trong căn phòng cấp 4 chưa đầy 60 m2.
Phóng viên Đài Truyền thanh huyện Ngọc Hiển tác nghiệp. |
Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Trưởng Ðài Truyền thanh huyện Ngọc Hiển, chia sẻ, điều kiện đi lại lúc ấy chủ yếu bằng đường thuỷ. Lúc ấy, cơ quan không có phương tiện riêng, lực lượng phóng viên đi tác nghiệp chủ yếu bằng đò dọc, vì vậy gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian. Nhưng bằng cả “trái tim nghề nghiệp”, lực lượng của đài đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong những năm qua.
Ðến nay, đài được đầu tư xây dựng trụ sở mới với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng và mua sắm một số trang thiết bị, máy móc chuyên dụng, đồng bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương. Toàn huyện hiện có 5/7 trạm truyền thanh cơ sở phát sóng FM, 2 trạm còn lại tiếp âm hữu tuyến. Tất cả đều hoạt động đều đặn, chủ yếu là tiếp âm Ðài Truyền thanh huyện, Ðài PT-TH Cà Mau và Ðài Tiếng nói Việt Nam. Riêng đối với Ðài Truyền thanh huyện, mỗi ngày sản xuất 1 chương trình thời sự với thời lượng 15 phút, phản ánh khá toàn diện về đời sống xã hội, chuyển tải những chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân.
Ông Ngô Trường Sơn, cán bộ Trạm Truyền thanh xã Tân Ân, người có nhiều năm công tác ở trạm truyền thanh cơ sở, tâm sự: “Mỗi ngày, khi sóng truyền thanh phát, Nhân dân rất phấn khởi bởi nhiều hộ học được kinh nghiệm trong lao động sản xuất, nắm bắt thời tiết để ra khơi khai thác, đánh bắt. Ðó cũng là động lực giúp tôi gắn bó với công tác này nhiều năm qua”.
Năm 2014, Ðài Truyền thanh huyện đã thực hiện 2.182 đề tài phát sóng địa phương và cộng tác trên sóng Ðài PT-TH tỉnh Cà Mau. Tổng số giờ tiếp âm hằng năm chương trình thời sự Ðài Tiếng nói Việt Nam và Ðài PT-TH Cà Mau khoảng 2.273 giờ. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, Ðài Truyền thanh đã cộng tác với đài tỉnh 1.078 đề tài, cộng tác Báo Cà Mau, Báo ảnh Ðất Mũi 120 đề tài.
Nội dung, chất lượng chương trình phát sóng của đài truyền thanh không ngừng được cải tiến, ngày một đáp ứng nhiệm vụ chính trị ở địa phương và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bạn nghe đài trên địa bàn.
Ông Hồ Tấn Ðạt, người dân ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, chia sẻ: “Nhờ nghe đài, tôi cũng như nhiều hộ dân ở ấp Xẻo Mắm nắm bắt được những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng trong nuôi trồng thuỷ sản, trồng hoa màu đúng thời điểm, chọn giống phù hợp với vùng đất mặn. Gia đình tôi trước đây thuộc diện nghèo, nhờ trồng rau màu đã giúp tôi thoát nghèo”.
Huyện Ngọc Hiển hiện có 19.923 hộ, với hơn 80.000 khẩu; có 6 xã, 1 thị trấn, 88 ấp. Những năm qua, Ðài Truyền thanh đã lắp đặt 111 cụm loa trên các khu vực địa bàn dân cư với 222 loa phóng thanh. Sóng truyền thanh đã phủ khắp địa bàn huyện và các xã, thị trấn. Ngoài ra, nhiều người dân thấy được ý nghĩa trong việc tuyên truyền nên tự bỏ tiền để mua sắm trang thiết bị truyền thanh, thường xuyên tiếp âm chương trình truyền thanh của huyện. Ðiển hình như hộ ông Văn Công Toả, ấp Kinh Ráng, xã Viên An Ðông; ông Văn Công Mừng, ấp Sắc Cò, xã Viên An.
Sức lan toả của sóng phát thanh đã khơi dậy phong trào thi đua lao động sản xuất trong Nhân dân, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, tạo hiệu ứng tích cực. Hàng trăm hộ dân đã tự nguyện hiến đất xây dựng trường học, nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng, xây dựng lộ nông thôn, thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới... Ðiển hình ông Lê Hoàng Sang, ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, dù hoàn cảnh còn khó khăn nhưng bằng sự quyết tâm và trách nhiệm, ông đã tự nguyện bỏ ra trên 40 triệu đồng để xây dựng 2 cầu qua cống để tuyến lộ nối liền các ấp: Tân Tiến, Tân Trung đến vàm Ông Ðịnh, nối liền với lộ cấp 6 đồng bằng, chiều dài gần 5.000 m được thông suốt.
Không chỉ chuyển tải những thông tin thời sự trong huyện, trong tỉnh đến với người dân, Ðài Truyền thanh huyện còn giúp Nhân dân hưởng thụ tốt đời sống văn hoá, tinh thần bằng những chương trình văn nghệ, giải trí. Chính những chương trình này đã góp phần “giữ lửa” nhiều câu lạc bộ đờn ca tài tử ở địa phương.
Ông Nguyễn Thiện Lộc, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Ngọc Hiển, đánh giá: “Hoạt động truyền thanh giúp Nhân dân xích lại gần nhau hơn trong đời sống và lao động sản xuất, sống có trách nhiệm, cùng với Ðảng, Nhà nước thực hiện hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới và xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư”./.
Bài và ảnh: Minh Văn