Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam. Trong ảnh: Một tiết mục văn nghệ ca ngợi Hồ Chủ tịch do Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang biểu diễn - Ảnh: T.L
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ không chỉ người dân Việt Nam luôn tôn kính,c hkqbd hà nội mà Người còn được bạn bè khắp năm châu, bốn biển tôn vinh ca ngợi. Đề tài văn học nghệ thuật về Bác cũng được nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước quan tâm.
Những năm đất nước ta còn chìm trong màn đêm áp bức, Bác cùng với Đảng lãnh đạo con thuyền cách mạng Việt Nam đối phó với 3 loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, người con của miền Nam tập kết ra Bắc vào năm 1946, may mắn được sống gần Bác tại chiến khu Việt Bắc. Tình cảm, lòng tôn kính ngày càng trở nên sâu đậm, ông cùng nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi chắp bút ca khúc “Lãnh tụ ca” vào năm 1947 với ca từ “Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi, toàn Việt Nam đón chào ngày mới”. Từ đó đến nay, nhạc phẩm này vẫn được dùng trong nghi thức nhạc lễ của nước ta.
Với hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945, nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, từng đi qua thời khắc lịch sử của dân tộc, đã dấy lên niềm cảm xúc cho nhạc phẩm bất hủ “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Cùng thời gian này, ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, của nhạc sĩ Phong Nhã được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích cho đến hôm nay và mai sau.
Từ những hình ảnh của Bác trong thời kỳ ở hang Pác Bó để lãnh đạo cách mạng và qua bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu, năm 1959, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sáng tác nên nhạc phẩm nổi tiếng “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”. Giờ đây mỗi lần nghe lại giai điệu bài hát, vẫn thấy mới lạ, thổn thức lòng người. Vào năm 1960, nhạc sĩ Trần Kiết Tường, người con miền Nam tập kết ra Bắc, đã sáng tác nhạc phẩm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” mà đến nay vẫn còn lay động lòng người.
Ngày Bác đi xa, đất nước vẫn còn bị chia cắt, hai miền Nam - Bắc bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt. Trước nỗi đau mất mát đó, nhạc sĩ Chu Minh đã cho ra đời ca khúc “Người là niềm tin tất thắng”. Bài hát này được xem là tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam thế kỷ XX. Nhạc sĩ Lưu Cầu (Đài Tiếng nói Việt Nam) khi cùng với đoàn cán bộ của đài đến Quảng trường Ba Đình tiễn biệt Bác, ông đã phỏng bài thơ của Trần Nhật Lam, với nhạc phẩm “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”. Tác phẩm được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Lưu Cầu.
Nhạc sĩ Xuân Giao nhớ lại: Hình ảnh Bác Hồ đã in sâu trong tâm trí tôi từ khi được gặp Người tại Hải Phòng. Sau đó, tôi nhiều lần được biểu diễn phục vụ Bác. Những kỷ niệm ấy luôn sống mãi trong trái tim tôi. Được sáng tác bài hát về Bác Hồ là niềm mong ước của mỗi nhạc sĩ Việt Nam. Khi Bác đi vào cõi vĩnh hằng, trong nỗi đau thương mất mát lớn lao đó, tôi cảm nhận “Bác Hồ không mất, Bác là bất diệt”. Từ suy nghĩ này, tôi sáng tác bài hát “Em mơ gặp Bác Hồ”, được các em thiếu nhi rất yêu thích.
Sau những chiến thắng dồn dập của Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” chỉ trong 2 giờ ngày 28-4-1975. Bài hát rất ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ nên cả nước ta đã cùng hát đồng ca thật khí thế, trong ngày đại thắng 30-4. Từ đó đến nay, bài hát đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà, lan tỏa đến nhiều nước và được dịch ra nhiều tiếng trên thế giới, trở thành bài hát chính trong những dịp khánh lễ. Sau ngày 30-4-1975, nhạc sĩ Cao Bách Việt đã phổ xong ca khúc “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” từ lời thơ Đăng Trung. Bài hát đã lan nhanh khắp trong và ngoài nước, được công chúng yêu mến.
Những ca khúc viết về Bác hầu hết đều trở nên nổi tiếng, vì giàu cảm xúc chân thực, giai điệu đẹp. Bên cạnh đó, các nhạc sĩ đã rất chú trọng việc khai thác thang âm dân ca của các vùng, miền trên dải đất hình chữ S. Từ âm hưởng hát then Cao Bằng, dân ca quan họ Bắc Ninh, hát chèo, dân ca Nghệ An, Nam Trung bộ, âm hưởng Tây nguyên, đến miền sông nước Nam bộ. Từ đề tài về Bác, đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam những tác phẩm quý báu và giá trị.
Bác đã đi xa, nhưng người dân Việt Nam vẫn mãi nhớ ơn và hướng về Người với tấm lòng kính yêu vô hạn. Đối với các nhạc sĩ, ai cũng mong viết được một tác phẩm hay về Bác, đó là niềm mơ ước lớn, trong cả cuộc đời hoạt động sự nghiệp của mình.
Các nhạc sĩ trên quê hương Bình Phước luôn dành tình cảm đặc biệt của mình với Bác Hồ kính yêu. Hơn 10 năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã nhiều lần tổ chức cuộc thi ca khúc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được các nhạc sĩ hưởng ứng tích cực. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã tập hợp những ca khúc đoạt giải cao từ các cuộc thi này để sản xuất chương trình ca nhạc chủ đề: “Lời Bác - Lời quê hương” gồm 9 tác phẩm. Qua thời gian phát sóng đã có rất nhiều khán, thính giả yêu thích và biết đến những ca khúc trong album này. |