Quang cảnh trung tâm tài chính tại thủ đô London, Anh. |
Lee Wild, người đứng đầu mảng chiến lược cổ phiếu tại Interactive Investor, cho biết: "London đã trải qua hàng trăm năm với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu. Brexit sẽ không thay đổi điều đó, ít nhất là không sớm thay đổi điều đó".
London, thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định hạn chế liên quan tới đại dịch COVID-19, hiện vẫn chưa đạt được thỏa thuận hậu Brexit với EU, điều sẽ cho phép các công ty tài chính có trụ sở tại London hoạt động bình thường ở châu Âu.
Trong năm qua, London đã thua các trung tâm tài chính khác về lượng giao dịch cổ phiếu. Giao dịch trên thị trường chứng khoán London đã giảm khoảng 40% vào đầu năm 2021, khi thị trường này bị ngăn cản cung cấp cổ phiếu niêm yết tại EU cho các khách hàng bên ngoài Vương quốc Anh.
Theo Cboe Global Markets, thủ đô Amsterdam của Hà Lan đã được hưởng lợi nhiều nhất khi vượt qua London để trở thành trung tâm lớn nhất châu Âu về khối lượng giao dịch cổ phiếu trong phần lớn thời gian của năm vừa qua.
Theo Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu 2021, hiện London vẫn là trung tâm tài chính lớn thứ hai thế giới sau New York (Mỹ) khi tính đến nhiều yếu tố khác nhau bao gồm cơ sở hạ tầng, danh tiếng và môi trường kinh doanh. Thành phố này vẫn là một trung tâm tài chính thống trị trên quy mô toàn cầu xét về cả số lượng thị trường, bao gồm ngoại hối và các công cụ phái sinh.
Russ Mold, Giám đốc đầu tư tại AJ Bell cho biết, thành phố này cung cấp một "hệ sinh thái” gồm các ngân hàng, cố vấn, luật sư, nhà quản lý quỹ và quỹ đầu cơ... cho các công ty cần để họ có thể đầu tư, đổi mới, phát triển và tạo việc làm.
Tuy nhiên, sau Brexit, khoảng 44% các công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Anh đã chuyển hoặc có kế hoạch chuyển hoạt động và nhân viên của họ sang các nước khác thuộc EU, với tổng giá trị chuyển nhượng tài sản đạt 1,3 tỷ bảng Anh (1,8 tỷ USD) vào cuối năm 2021./.