Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay, do CNHT kém phát triển, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào NK, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, sản xuất, lắp ráp ô tô... Vì vậy, khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất trong thời gian đầu năm 2020. Phải đến khi các quốc gia nêu trên đã qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu NK cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi.
Từ góc độ đại diện cho tiếng nói của các DN CNHT, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) cho biết, biến cố từ dịch bệnh đã khiến các chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chế tạo trên thế giới bị đứt gãy. Mặc dù vẫn có thể duy trì sản xuất nhưng gần 50% số DN thuộc VASI bị sụt giảm doanh thu. DN liên tiếp trải qua 4 đợt bùng phát dịch, khiến việc sản xuất trở nên khó khăn, nội lực yếu dần. “Phải thừa nhận thực tế năng lực của hầu hết DN CNHT Việt Nam còn rất yếu kém so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ… Trong bối cảnh dịch bệnh, DN cần hơn bao giờ hết sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành để khôi phục sản xuất”, bà Trương Thị Chí Bình nói. Thực trạng yếu kém nêu trên không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. “Vì vậy, phát triển CNHT, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn”, đại diện Cục Công nghiệp nhấn mạnh. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích thêm, phát triển mạnh CNHT mới giúp Việt Nam dần chuyển từ nền kinh tế gia công, lắp ráp XK sang trình độ sản xuất cao hơn. Vấn đề này thời gian qua đã có nhiều hô hào phát triển, nhiều chính sách, giải pháp nhưng chưa làm được như kỳ vọng. Một trong những giải pháp được thúc đẩy nhằm tháo gỡ vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng thời gian tới mà Cục Công nghiệp đề cập đến là xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển; tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với DN CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, đại diện Cục Công nghiệp cũng nhắc tới yếu tố tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các DN Việt Nam với các DN đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn NK, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu… Bà Trương Thị Chí Bình cho rằng, về dài lâu, Chính phủ có thể ban hành Luật CNHT/Luật Công nghiệp để khẳng định tầm quan trọng của loại hình công nghiệp này, từ đó có các chính sách chuyên biệt nhằm thúc đẩy phát triển CHNT, đón các dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia. |