Đây là khẳng định của bà Phạm Thanh Tuyền (ảnh),ẻmangquốctịchnướcngoigặpvướngkhinhậphọbraga – porto Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh trong cuộc trao đổi với phóng viên xoay quanh công tác triển khai thực hiện Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Bà Tuyền cho hay: - Sau gần 2 năm triển khai, việc đăng ký, quản lý hộ tịch đã từng bước đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân các địa phương trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và mang lại nhiều kết quả thiết thực. Điều đó cho thấy thẩm quyền đăng ký quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài sau khi được chuyển giao về cấp huyện là phù hợp nên thuận tiện cho công dân, nhất là chưa phát hiện sự phản ánh từ người dân cũng như sai sót trong quá trình đăng ký. Đạt được kết quả trên là do đâu, thưa bà ? - Đó là nhờ từ khi văn bản chưa có hiệu lực, Sở Tư pháp tỉnh đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo văn phòng UBND cùng lãnh đạo và chuyên viên phòng tư pháp cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp xã và cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã. Ngoài công tác tập huấn, chúng tôi còn có kế hoạch khảo sát công tác hộ tịch tại UBND cấp huyện và một số đơn vị cấp xã trên địa bàn. Qua đó kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn cho địa phương sau khi công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài chuyển cho cấp huyện thực hiện. Mặt khác, phân công cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình, tham mưu và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quá trình thực hiện nghiệp vụ hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Đặc biệt là vào tháng 5-2017, Sở Tư pháp tỉnh đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm việc đăng ký và quản lý hộ tịch trong toàn tỉnh. Tại đây, lãnh đạo sở đã kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh những ưu điểm trên, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Theo đó, do công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài mới được chuyển giao về cấp huyện nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bước đầu còn lúng túng; đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ nhìn chung vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng so với yêu cầu đặt ra; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nơi lưu trữ hồ sơ tại bộ phận một cửa của một số nơi chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết hồ sơ cho người dân và công tác lưu trữ. Thưa bà, vào năm học mới 2017-2018, có còn tình trạng người dân phản ánh vướng mắc về giấy khai sinh đối với trẻ em có yếu tố nước ngoài vào trường học không ? - Hiện nay, chúng tôi chưa nhận sự phản ánh nào của công dân về trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, sau đó mang con về Việt Nam sinh sống nhưng trẻ đã mang quốc tịch nước ngoài và đến tuổi đi học mà không được tham gia học tập. Bởi từ khi UBND tỉnh ban hành Công văn số 1300 ngày 3/9/2014 về việc tạo điều kiện cho trẻ em mang quốc tịch nước ngoài trong độ tuổi đi học được tham gia học tập, Sở Tư pháp chủ động phối hợp với các ngành liên quan như giáo dục và đào tạo, công an tuyên truyền, vận động người dân nhận thức rõ về vấn đề này. Cụ thể, trẻ em sinh ra ở nước ngoài, đã đăng ký khai sinh ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài thì không được đăng ký khai sinh tại Việt Nam. Khi đi học trẻ em sẽ sử dụng giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nhưng giấy khai sinh phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt. Nếu có vướng mắc về vấn đề giấy khai sinh thì người dân liên hệ với cơ quan chức năng (phòng tư pháp cấp huyện hoặc UBND cấp xã) nơi gần nhất để được giải quyết. Để thực hiện tốt hơn nữa về công tác hộ tịch trong thời gian tới, lãnh đạo sở có biện pháp gì, thưa bà ? - Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện tốt Kế hoạch số 57 ngày 19/5/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 101 ngày 23/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 trên địa bàn tỉnh; chú trọng việc hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập trong Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức khác nhau cũng như phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, nhất là các kỹ năng trong việc giải quyết, xử lý các tình huống hộ tịch và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch cho đội ngũ làm công tác hộ tịch ở cấp huyện và cấp xã. Ngoài ra, tiếp tục kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở 3 cấp, nhất là ở cấp huyện và cấp xã; đối với địa phương nào đang bố trí công chức làm công tác hộ tịch không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch thì khẩn trương sắp xếp, bố trí lại hoặc tiếp tục tuyển dụng (nếu còn chỉ tiêu). Đầu tư ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch theo Kế hoạch số 65 ngày 25/7/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” trên địa bàn tỉnh; triển khai tốt công tác cải cách thủ tục hình chính, niêm yết công khai để người dân biết và thực hiện. Mặt khác, phát huy vai trò chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về công tác tư pháp hộ tịch ở địa phương; chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra tình hình đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành luật và đề ra biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp.
Xin cảm ơn bà ! PHI YẾN thực hiện |