Hiện việc thu gom,ềuthchthứctrongviệcxửlchấtthảinguyhạkết quả c1 tối qua xử lý loại chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh từ lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, y tế, sinh hoạt, thương mại và dịch vụ,... chưa được triệt để, đã và đang tạo sức ép lớn trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững tại các địa phương.
Do chưa được phân loại tại nguồn, nên trong rác thải sinh hoạt có rất nhiều CTNH.
Khối lượng CTNH phát sinh ngày một lớn
Báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, tính đến tháng 5-2016, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 75 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký sổ chủ nguồn CTNH từ 600kg/năm trở lên, với tổng khối lượng kê khai gần 40 tấn/năm… Ông Phan Thanh Trí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng, cho hay số liệu thống kê chỉ phản ánh được một phần, còn trên thực tế, lượng CTNH tại các cơ sở phát sinh từ 600kg/năm trở xuống trên địa bàn tỉnh lớn hơn rất nhiều lần. Bởi lẽ, nguồn CTNH không chỉ phát sinh ở 75 đơn vị, doanh nghiệp phải kê khai, báo cáo mà còn phát sinh ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, các hộ gia đình, đây mới là khu vực phát sinh rất nhiều CTNH. “Đối tượng phải kê khai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng như đã đề cập phần trên mặc dù có khối lượng chất thải phát sinh mỗi năm nhiều, nhưng số lượng đơn vị, doanh nghiệp lại ít. Trong khi đó, khối lượng CTNH phát sinh của cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hộ dân mỗi năm tuy ít, nhưng số lượng đối tượng này lại rất nhiều. Vì thế mới có chuyện khối lượng CTNH thống kê được thấp hơn rất nhiều lần so với khối lượng CTNH mà đến nay cơ quan chức năng chưa thống kê được…”, ông Trí giải thích.
Là trung tâm kinh tế vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ có khối lượng CTNH phát sinh thuộc diện đứng đầu khu vực. Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ cho thấy, chỉ tính riêng những đơn vị, doanh nghiệp phải đăng ký sổ chủ nguồn thải, báo cáo định kỳ nguồn thải CTNH, thì mỗi năm cũng đã phát sinh hàng trăm tấn CTNH. Cụ thể, năm 2013 phát sinh trên 171.800kg, năm 2014 là 1.663.700kg và 6 tháng đầu năm 2015 là 333.000kg…
Cũng giống như ở tỉnh Sóc Trăng, tại thành phố Cần Thơ cũng còn tồn đọng một khối lượng lớn chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ… Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, nhìn nhận: “Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ thống kê được khối lượng CTNH do các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký, báo cáo, còn CTNH phát sinh từ hộ gia đình, những hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ nhỏ lẻ thì chưa nắm được số liệu cụ thể”.
Tính đến tháng 5-2016, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 343 đơn vị đăng ký và được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang cấp sổ chủ nguồn thải CTNH, với tổng khối lượng 13 tấn/ngày, trong đó chất thải y tế nguy hại khoảng 520kg/ngày, CTNH từ nông nghiệp (vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật) ước khoảng 88 tấn/năm… Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Mặc dù khối lượng CTNH phát sinh hàng năm tương đối lớn, song từ trước đến nay Chi cục Bảo vệ thực vật mới hợp đồng xử lý được khoảng hơn 1 tấn CTNH…”.
Khó trong việc vận chuyển, xử lý
CTNH có chứa yếu tố độc hại, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ gây nhiễm, gây ngộ độc… Nhận biết được mối nguy hại đó, các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hộ dân… đã có nhiều giải pháp trong việc thu gom, lưu giữ, xử lý, song quá trình thực hiện công việc này tại các tỉnh, thành đang gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, đến nay các tỉnh như: Hậu Giang, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ… chưa có nhà máy chuyên xử lý chất thải nguy hại, do vậy cơ quan chức năng phải giới thiệu một số đơn vị chuyên thu gom vận chuyển và xử lý chất thải tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc một số tỉnh khác cho các đơn vị, doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là đa phần các công ty chuyên xử lý loại rác thải này ở khá xa, giá thành vận chuyển, xử lý lại cao… Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang Trần Ngọc Thể cho biết: “Cuối năm 2014, chúng tôi hợp đồng với Nhà máy Xi măng Holcim xử lý CTNH phát sinh từ sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên giá thành xử lý với giá từ 40.000-50.000 đồng/kg. Do kinh phí hạn hẹp, nên chúng tôi chỉ xử lý được khoảng 1 tấn rồi ngưng tới nay”.
Theo ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang: “Một số cơ sở phát sinh CTNH với số lượng từ vài ký đến vài chục ký, phần lớn được lưu giữ tại kho chứa, khi số lượng tương đối nhiều mới thuê đơn vị chức năng thu gom, xử lý, nhưng chi phí vận chuyển, xử lý khá cao, trong khi đó lượng CTNH cần xử lý quá ít. Đây là khó khăn của doanh nghiệp trong việc quản lý CTNH trong thời gian qua”.
Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Trí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng nói, do địa phương chưa có nhà máy chuyên xử lý CTNH, nên đa số các đơn vị, doanh nghiệp ở tỉnh phải hợp đồng vận chuyển lên khu vực Đông Nam bộ để xử lý. Nhưng, giải pháp này doanh nghiệp thường phụ thuộc vào công ty chuyên xử lý và giá thành xử lý lại cao, vì thế có đơn vị chỉ xử lý một phần, phần còn lại lưu giữ tại kho...
Đâu là giải pháp ?
Các sở, ngành chức năng cũng như doanh nghiệp ở Hậu Giang, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ có chung nhận định rằng, trong thời gian tới khối lượng CTNH phát sinh ngày một nhiều, trong khi đó việc vận chuyển, xử lý không thể phụ thuộc mãi vào các công ty ở địa phương khác được. Vì thế, việc đầu tư xây dựng máy chuyên xử lý tại mỗi địa phương là việc rất cần thiết. Bởi lẽ, khi đã có nhà máy xử lý sẽ tạo điều kiện cho các sở, ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình... thu gom CTNH để xử lý, qua đó giảm thiểu được khối lượng CTNH còn tồn đọng trong các khu công nghiệp, khu dân cư... đồng thời xử lý triệt để được lượng chất thải phát sinh mới. Ngoài ra còn giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, xử lý...
Bên cạnh đó, căn cứ vào Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 quy định về thu hồi, hủy bỏ các sản phẩm thải bỏ (đa phần các sản phẩm thải bỏ nằm trong danh mục chất thải nguy hại - PV), có hiệu lực kể từ ngày 15-7-2015, thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ của mình đã bán ra thị trường; thiết lập các điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; ưu đãi hoặc tuyên truyền đối với người tiêu dùng hoặc tổ chức, cá nhân thu gom, chuyển giao sản phẩm thải bỏ tại điểm tiếp nhận... “Thế nhưng, đến nay việc áp dụng các quy định này vào thực tiễn còn bị bỏ ngỏ, nhà sản xuất còn thờ ơ, chưa thiết lập các điểm thu gom sản phẩm thải bỏ đã bán ra thị trường trên địa bàn tỉnh...”. Ông Phan Thanh Trí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, cho biết nhà sản xuất không chỉ có trách nhiệm bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, mà còn có trách nhiệm bảo vệ môi trường từ các sản phẩm thải bỏ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. “Trong thời gian qua, sở đã phối hợp với các hội đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân xây dựng các mô hình thu gom, lưu giữ các loại chai lọ, bao bì... thuốc bảo vệ thực vật đáng lẽ ra nhà sản xuất phải phối hợp với cơ quan chức năng để vận chuyển, xử lý, đồng thời có chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân, nhưng đằng này họ chưa quan tâm lắm...”.
Song song với việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại, có biện pháp chế tài đối với các nhà sản xuất không nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về việc thu hồi sản phẩm thải bỏ thì chính quyền địa phương cũng cần quy hoạch các điểm lưu giữ CTNH, đồng thời chỉ đạo cho các sở, ngành, hội, đoàn thể... tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình thu gom rác thải nguy hại và hướng dẫn thay đổi thói quen để người dân chủ động phân loại rác thải tại nguồn.
Bài, ảnh: KHÁNH HOÀNG