Con gái lớp 4 căm ghét người bố ưu tú xuất sắc,áilớpcămghétngườibốưutúxuấtsắcmẹkêucứubấtlựbđ wap mẹ kêu cứu bất lực
Hoài Nam(Dân trí) - Khi bạn bè trong lớp nhắc đến ba, cô học trò lớp 4 phản ứng gay gắt, gào thét: "Tôi căm ghét ba". Nhìn thấy sự bất ổn của đứa trẻ, cô giáo trao đổi với người mẹ...
Bà N.T. - chuyên gia đào tạo các khóa học làm cha mẹ ở TPHCM - kể về một ca bà đang tư vấn... trong bế tắc.
Nhiều tuần trước, giữa đêm, bà T. nhận được cuộc gọi kèm tiếng khóc nức nở, nhờ hỗ trợ từ một người mẹ.
Người phụ nữ cho biết, chồng chị từ bé luôn là người cực kỳ ưu tú, có thành tích xuất sắc trong học tập. Anh đã tốt nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài với kết quả loại ưu. Theo lộ trình, anh sẽ học lên tiến sĩ nhưng hiện phải tạm dừng lộ trình, về nước để quản lý công ty.
Người chồng đặt áp lực thành thích vô cùng khắt khe lên cô con gái duy nhất đang học lớp 4. Anh buộc con đi "càn quét" khắp các cuộc thi to nhỏ về toán, tin, tiếng Anh... làm nên bộ sưu tập huy chương tính bằng hàng cân treo kín nhà.
Cuộc thi nào con không giành được huy chương vàng, thậm chí vẫn có bạc, đồng cũng đều bị bố la mắng, chê bai, chỉ trích thậm tệ kiểu "đồ ngu dốt", "não mẹ mày"... Rồi sau đó cháu sẽ phải "bù đắp" bằng giải vàng ở những cuộc thi khác để chuộc lỗi với bố.
Để theo đuổi những thành tích này, cô con gái ngoài giờ học ở trường lại "trần mình" trong các lò ôn luyện. Trở về nhà lúc 9-10h tối, cháu tiếp tục được bố kèm cặp, chỉ dẫn.
Hiển nhiên, kết quả học ở trường, cháu chỉ có một con đường "tất cả phải điểm 10" mới được yên.
Mới đây, người mẹ nhận được thông tin từ cô giáo chủ nhiệm, con gái chị có rất nhiều biểu hiện bất ổn, hành vi bất thường. Cháu khó chịu, hay gây sự với bạn bè, thiếu hợp tác, thường xuyên la hét... Những việc đó trước đây cô bé chưa từng thể hiện.
Khi bạn bè trong lớp bình luận "bạn S. sướng, có ba giỏi nên cái gì cũng giỏi". Bất ngờ, cháu gào toáng lên: "Các bạn không biết đâu, tôi căm ghét ba tôi!".
Người mẹ đau khổ kể, chị trao đổi với chồng về vấn đề dạy con, tránh những áp lực không đáng có lên con nhưng bị anh gạt đi. Chị còn bị chồng thể hiện sự coi thường ra mặt khi nói: "Giỏi thì cô học đi, cô dạy con đi! Đã là con tôi thì luôn phải xuất sắc nhất!". Anh chặn đứng tiếng nói của vợ trong gia đình bằng cách lôi trình độ ra để so đo.
Không thể can thiệp nổi qua chồng, lo lắng con không ổn, người vợ tìm đến chuyên gia, mong có được giải pháp nào đó để cứu con.
Bà N.T. cho biết, sau khi nắm sự việc, biết tình trạng của đứa trẻ không ổn, bà đã chủ động liên lạc với người bố mong có thể cùng trao đổi, chia sẻ. Tuy nhiên, ông từ chối nghe máy, chị nhắn tin anh không phản hồi lại.
Thông qua vợ, ông bố này nhắc lại: "Không nói nhiều, con tôi thì phải xuất sắc nhất, không thể là người bình thường!".
Một vị chuyên gia giáo dục ở TPHCM chia sẻ, bà từng gặp rất nhiều trường hợp bố mẹ là tiến sĩ, giáo sư rơi vào khủng hoảng, thất vọng khi con cái bình thường. Họ không chấp nhận nổi việc điểm số của con mình chỉ 7-8; làm việc này việc kia chỉ ở mức trung bình, khá chứ không xuất sắc, ưu tú. Nhiều người không giấu được sự thất vọng, chán chường về chính đứa con, kéo theo những khủng hoảng trong gia đình.
Theo vị chuyên gia này, làm sao để bố mẹ hiểu và chấp nhận con mình là những đứa trẻ bình thường là việc cực kỳ khó khăn hiện nay. Ngay cả ở những bố mẹ... được xem là tầm tầm bậc trung chứ chưa nói đến những vị phụ huynh tài giỏi, xuất chúng.
Cách đây không lâu, mạng xã hội phát sốt với bức thư "Con là một người bình thường" của cô giáo Nguyễn Minh Ngọc - giáo viên Trường THTP Đinh Thiện Lý, TPHCM - gửi học trò. Cô nói với học trò: "Con là một người bình thường nhưng con là một người bình thường tử tế".
Trong bức thư, cô giáo nhấn mạnh, trừ một số ít người sinh ra với sứ mệnh làm vĩ nhân đổi thay thế giới, còn lại đa số chúng ta là những người bình thường.
Qua đó, nữ giáo viên văn nhắn nhủ học trò đừng quên điều này để các con biết xây cuộc đời mình từ những điều nhỏ nhặt. Những yếu tố nhỏ sẽ dần tích lũy theo tháng năm và tạo nên những điều to lớn hơn.
Có lẽ, bức thư của cô Nguyễn Minh Ngọc không chỉ là lời nhắn nhủ dành cho học trò mà còn cần cho chính người lớn, đặc biệt cho những người làm bố làm mẹ.