Xuất khẩu vào Thái Lan: Thị trường quen nhưng khó mở rộng thị phần |
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: T.D |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc ITPC Nguyễn Tuấn nhấn mạnh cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét tương đồng, đặc biệt là nhóm ngành nông, thủy sản.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Thái Lan đạt 3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan đạt 1,8 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến Kim ngạch thương mại song phương của hai nước sẽ sớm đạt được mục tiêu 25 tỷ USD trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam - Thái Lan và các nước ASEAN khác cùng tham gia vào nhiều hiệp định, các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với các nước đối tác; đặc biệt phải kể đến là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất, vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022. Điều này không chỉ giúp hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của hai nước về cơ bản đã được dỡ bỏ, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu mà còn tạo thuận lợi cho Việt Nam và Thái Lan hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu sang nước thứ ba.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự nắm bắt được thị hiếu, sở thích, thói quen tiêu dùng của người Thái nên khâu chế biến, bao bì đóng gói chưa đáp ứng được nhu cầu, sự ưa chuộng của người tiêu dùng Thái Lan đối với các sản phẩm đóng gói, chế biến sẵn với nhiều kích thước.
Các kênh phân phối tại Thái Lan khá đa dạng gồm chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị…; mỗi kênh có đặc thù riêng về giá cả, bao bì đóng gói. Cho nên doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng; nhất là các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình và các điều kiện để xin giấy chứng nhận nhập khẩu từ các cơ quan chức năng, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm đảm bảo duy trì chất lượng trong quá trình vận chuyển… Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường tham dự các hội chợ triển lãm nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác phù hợp, quảng bá thương hiệu trên cơ sở niềm tin sẵn có của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam với chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh.
Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch phụ trách xúc tiến thương mại, Central Retail Việt Nam cho biết, tại Hệ thống siêu thị GO!, Big C - kênh phân phối cuối cùng đến tay người tiêu dùng, luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ nhà sản xuất, nhà cung cấp, doanh nghiệp vừa và nhỏ,… trong việc thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, bằng các chương trình hành động thiết thực.
Central Retail thường xuyên phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp Việt cải tiến bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm… sao cho phù hợp với kênh bán lẻ hiện đại. Từ đó, doanh nghiệp có cơ hội phân phối ra toàn quốc, thông qua hệ thống siêu thị GO!, Big C đã có mặt tại 40 tỉnh thành; cũng như mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt thông qua mạng lưới bán lẻ ở quốc tế của Central Retail.