Theo đó, Thủ tướng giao bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ở trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành định mức, tiêu chuẩn mua sắm tài sản từ 500 triệu đồng trở lên. Theo Kho bạc Nhà nước (KBNN), việc kiểm soát lĩnh vực này hiện khó khăn do nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức.
Thiếu cơ sở để kiểm soát, thanh toán
Theo báo cáo từ KBNN, trong quá trình kiểm soát chi các khoản mua sắm này theo QĐ 58, KBNN đã gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, theo QĐ 58, KBNN thực hiện kiểm soát chi và thanh toán đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng theo tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều bộ, ngành trung ương và UBND cấp tỉnh chưa ban hành các tiêu chuẩn, định mức, giá mua theo thẩm quyền để làm căn cứ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tổ chức thực hiện, đồng thời để KBNN thực hiện kiểm soát chi theo đúng quy định.
Đơn cử như tại Thanh Hóa, cho đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức, máy móc, thiết bị chuyên dùng (số lượng, chủng loại, mức giá) trang bị cho các cơ quan thuộc phạm vi quản lý. Vì vậy, KBNN Thanh Hóa đã không có cơ sở kiểm soát thanh toán mà phải kiểm soát theo tiêu chuẩn, định mức theo các Phụ lục QĐ 58.
Đặc biệt đối với máy móc, thiết bị trang bị để sử dụng cho phòng họp, hội trường, phòng thường trực, phòng lưu trữ và các phòng phục vụ hoạt động chung, KBNN không có cơ sở nào để kiểm soát vì Phụ lục QĐ 58 không quy định mà lại giao cho cơ quan có thẩm quyền ban hành (UBND tỉnh đối với trang bị máy móc, thiết bị cho các đơn vị thuộc địa phương quản lý).
“Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”
Đây là tình trạng mà các cán bộ làm công tác kiểm soát chi phải đối mặt trong kiểm soát các khoản chi khi mua sắm tài sản nhà nước (TSNN). Theo quy định, đơn vị dự toán muốn mua tài sản phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao dự toán. Khi cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức thì KBNN sẽ từ chối thanh toán vì chưa đảm bảo điều kiện chi ngân sách theo luật định.
Thế nhưng, tại một số địa phương, trong khi quyết định về tiêu chuẩn, định mức mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung và máy móc, thiết bị chuyên dùng chưa được ban hành nhưng lại ban hành văn bản cho phép các tổ chức, cơ quan, đơn vị căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện mua sắm.
Với thực trạng này, nếu KBNN chấp nhận chi thanh toán các khoản mua sắm theo yêu cầu của địa phương thì vi phạm vào điều kiện chi do Luật NSNN quy định. Nhưng nếu từ chối và không chấp nhận thanh toán theo đúng chế độ quy định thì khoản kinh phí bố trí mua sắm sẽ không được thực hiện theo đúng tiến độ….
Với các khoản mua sắm TSNN theo phương thức tập trung cũng không nằm ngoài những khó khăn này. Theo quy định, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao thực hiện mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung. KBNN sẽ căn cứ hợp đồng của tổ chức, cơ quan, đơn vị trực tiếp ký hợp đồng và thanh toán với nhà thầu để thực hiện kiểm soát chi theo đúng danh mục tài sản mua sắm và tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định. Tuy nhiên với trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp, KBNN sẽ gặp khó khăn khi thực hiện kiểm soát vì cơ quan, đơn vị đó sẽ trực tiếp thanh toán với nhà thầu. Điều này dẫn đến đơn vị mua sắm tập trung hoặc là mua không đúng số lượng, chủng loại, hoặc là mua sắm chung theo tổng số (không cụ thể theo từng tổ chức, cơ quan, đơn vị có nhu cầu mua sắm).
Vân Hà