Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng, có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân, tuy đã có những chế tài xử phạt trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chưa đủ sức răn đe. Ông Đinh Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, việc ban hành nghị quyết là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu những nội dung trao đổi của các chuyên gia để bổ sung các căn cứ pháp lý.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết: Dự thảo Nghị quyết này được ban hành sẽ là cơ sở rất kịp thời để triển khai thi hành Luật Thủ đô, nhưng để làm được thì cần quan tâm rất nhiều vấn đề, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh đường phố. Quan trọng nhất là có phụ lục kèm theo để dễ thực hiện, chú trọng khâu tuyên truyền, tăng cường phân quyền cho chính quyền cơ sở ở cấp phường…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao công tác chuẩn bị của đơn vị tham mưu soạn thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn. Dự thảo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng theo từng bước, đảm bảo đúng quy định, tuy nhiên, cần nghiên cứu sửa lại về bố cục để đảm bảo ngắn gọn, đủ ý, đủ sức thuyết phục.
Để đảm bảo nghị quyết khi ban hành sớm đi vào đời sống, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị, cơ quan soạn thảo bổ sung các phụ lục quy định các hành vi phải xử phạt và mức phạt sau khi áp dụng nghị quyết; tăng cường công tác tuyên truyền để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ cơ sở biết và thực hiện.