【du doan bd anh】Ổn định đời sống là mong mỏi lớn của cử tri
(CMO) Ngày 22/11, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khoá XV. Đây là lần đầu tiên, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri với hình thức trực tuyến, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Quốc Hận, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Kết nối với điểm cầu tỉnh là điểm cầu các xã, thị trấn, phường thuộc TP Cà Mau, huyện Thới Bình và huyện U Minh với 90 cử tri tham dự và điểm cầu của các ĐBQH đang công tác ở Trung ương ứng cử trên địa bàn.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, lần đầu tiên hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau diễn ra bằng hình thức trực tuyến. |
Ông Nguyễn Quốc Hận, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, báo cáo đến cử tri kết quả kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khoá XV và hoạt động của đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau tại kỳ họp.
Tại hội nghị, cử tri Võ Hoàng Hiệp (phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) gởi nhiều ý kiến tâm huyết đến ĐBQH. Trong đó, ông Hiệp đặt niềm tin to lớn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của đất nước, trong đó có tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, yêu cầu của cử tri là làm sao để Việt Nam tự chủ trong sản xuất vắc-xin để chủ động chăm lo sức khoẻ, bảo vệ tính mạng cho Nhân dân.
Dù Đảng, Nhà nước đã rất nỗ lực, toàn dân đã kề vai chung sức trong cuộc chiến với đại dịch, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận Nhân dân gặp khó khăn, cần tập trung hỗ trợ chăm lo. Việc phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, tuy nhiên cần phải có lộ trình, tính toán, nhất là độ bao phủ vắc-xin để mở cửa và sống chung với dịch một cách an toàn.
Cử tri Võ Hoàng Hiệp đồng thời đề nghị Quốc hội nghiên cứu, khắc phục tình trạng lách luật, né luật, hoặc lợi dụng kẽ hở của luật để trục lợi.
Tỷ lệ bao phủ vắc-xin, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh theo cấp độ phân loại nguy cơ là điều kiện quan trọng để thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch Covid-19. |
Cử tri Võ Văn Điệp (xã Trí Phải, huyện Thới Bình) cho rằng, hợp tác xã và bộ phận kinh tế tập thể chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Vấn đề giá cả, đầu ra cho nông sản của người nông dân thiếu ổn định. Đặc biệt, tình trạng giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Địa phương cần tạo ra việc làm ổn định, bền vững cho lao động tại chỗ. Chính sách cho những người chống dịch tại địa phương chưa được quy định cụ thể, nhất là ở các Tổ Covid cộng đồng. Tệ nạn tham nhũng dù đã được xử lý nghiêm, nhưng trên thực tế là vẫn xảy ra. Việc tội phạm sau khi mãn hạn tù, tỷ lệ tái phạm vẫn còn, cần phải có giải pháp khắc phục.
Cử tri Nguyễn Hoàng Cầu (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) kiến nghị: giá cả nhiên liệu, mặt hàng thiết yếu, vật tư nông nghiệp... đang tăng cao, phải có chính sách bình ổn để hỗ trợ đời sống người dân sau dịch; xem xét việc miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên phù hợp; kinh phí và chức danh cán bộ ấp, khóm trên thực tế không đảm bảo hoạt động, phải cải thiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Chia sẻ với cử tri, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Cà Mau vẫn đang diễn biến phức tạp, số giường bệnh triển khai đến nay khoảng 3.600 giường, bình quân mỗi ngày có từ 200-300 ca F0. Tỉnh đã tiến hành triển khai theo dõi sức khoẻ F0 không triệu chứng tại nhà. Hiện nay, Cà Mau quản lý điều trị luỹ kế trên 6.000 ca F0. Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 80%. Tỉnh cũng đã triển khai tiêm vắc-xin cho đối tượng từ 12-17 tuổi mũi 1.
“Công tác triển khai tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho toàn dân rất khẩn trương và các túi thuốc điều trị F0 đã được cấp phát về tới tuyến y tế cơ sở. Việc sàng lọc, xét nghiệm tách F0 ra khỏi cộng đồng đang được thực hiện ráo riết và theo phân loại nguy cơ”, ông Nguyễn Văn Dũng nói.
Ông Nguyễn Xuân Tình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết đã triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ đến các đối tượng thụ hưởng theo quy định. Tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung các đối tượng để đảm bảo quyền lợi cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 một cách kịp thời nhất.
Trong thời gian đầu tháng 10, có hơn 54.000 người lao động Cà Mau từ ngoài tỉnh khác trở về địa phương tránh dịch. Qua rà soát, còn hơn 44.000 lao động vẫn chưa tìm được việc làm. Ngành LĐ-TB&XH đang thúc đẩy mọi kênh, mọi biện pháp để hỗ trợ người lao động tìm kiếm được việc làm phù hợp, sớm ổn định cuộc sống.
ĐBQH Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, hiện nay lĩnh vực năng lượng nước ta đang đối mặt nhiều thách thức. Hiện đang đề xuất để sớm xây dựng Nhà máy Điện Cà Mau 3 theo hướng dịch chuyển nguồn năng lượng xanh, bền vững.
Với tình hình giá cả tăng cao của các mặt hàng vật tư nông nghiệp, Tập đoàn đang thực hiện chính sách bán phân bón với giá nội địa, mức thấp hơn so với giá cả xuất khẩu để hỗ trợ bà con nông dân. Thị trường phân bón tại Cà Mau tương đối nhỏ trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, Tập đoàn cũng đã triển khai hỗ trợ các đại lý tiêu thụ sản phẩm với những chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, Tập đoàn rất quan tâm việc tham gia các chương trình an sinh xã hội cho địa bàn Cà Mau. Tập đoàn cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho Cà Mau trong tương lai.
ĐBQH Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thông tin, Trung ương đang nghiên cứu đề xuất công nhận chế độ những người qua đời khi làm công tác tuyến đầu chống dịch Covid-19. Việc điều chỉnh luật cho phù hợp thực tiễn là cần thiết, rất được quan tâm, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, còn tình trạng chung chung.
Việc tăng giá vật tư nông nghiệp là theo đúng dự báo thị trường. Trong đó có nguyên nhân ảnh hưởng từ đại dịch, trong khi nước ta là nước không chủ động về nguyên liệu vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng có những đối tượng trục lợi, tranh thủ đội giá, găm hàng, làm đảo lộn thị trường.
Theo đó, ông Vân đề nghị các địa phương, bà con cử tri phải chủ động, tự chủ trong sản xuất bằng cách thay đổi phương thức sản xuất, tìm nguồn vật tư thay thế ưu tiên tại nội địa. Công tác thanh tra, kiểm tra thị trường phải siết chặt, kiên quyết xử lý sai phạm.
Nông dân Cà Mau gặp khó vì giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao. Ảnh: Sản xuất vụ lúa tôm ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình. |
ĐBQH Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, vấn đề của Cà Mau là phải làm sao tính toán trong định hướng phát triển tạo được công ăn, việc làm tại chỗ. Việc chăm sóc an sinh xã hội cho đối tượng công nhân ở các khu vực thu hút đông lao động hiện chưa thật sự đảm bảo. Đây chính là nguyên nhân có dòng dịch chuyển lao động lớn về quê tránh dịch. Cà Mau đang có nhiều dự án được tính toán để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực năng lượng, hạ tầng giao thông, cảng biển, hàng không, thu hút đầu tư.
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hận đánh giá, dù là lần đầu tiên thực hiện việc tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến, tuy nhiên, không khí và chất lượng của hội nghị là sôi nổi, trách nhiệm, hiệu quả. Nhiều ý kiến tâm huyết của cả cử tri và phần giải trình rõ ràng của các ĐBQH, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã giúp bà con cử tri yên tâm hơn, có nhiều thông tin hơn, vững vàng hơn để vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra.
Được biết, theo kế hoạch, đợt tiếp xúc cử tri lần này của Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 22-24/11./.
Quốc Rin