发布时间:2025-01-10 10:11:00 来源:88Point 作者:Cúp C2
Giảm mạnh số người hưởng lương ngân sách
Đơn cử như thành phố Hà Nội đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành, giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị (giảm 121 đơn vị, tương đương 30,2%); huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị (giảm 110 đơn vị, tương đương 53,4%). Đồng thời, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh giao tự chủ chi thường xuyên đối với 106 đơn vị, với 8.761 biên chế, tăng thêm 45 đơn vị tự chủ chi thường xuyên so với trước đây. Dự kiến đến năm 2021, thành phố sẽ có thêm 91 đơn vị tự chủ chi thường xuyên, giảm chi ngân sách đối với 11.221 biên chế. Ngoài ra, thành phố đã xác định 15 đơn vị chuyển đổi sang công ty cổ phần.
Tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện giảm 27 cơ quan, giảm 79 chỉ tiêu biên chế công chức và 864 vị trí việc làm. Tỉnh Quảng Ninh đã giao tự chủ tài chính cho 84 đơn vị SNCL (tăng 15 đơn vị so năm 2017), có thêm 1.442 viên chức không hưởng lương từ ngân sách (trong đó số viên chức của 4 bệnh viện thuộc Sở Y tế là 1.264 người); kinh phí ngân sách cấp năm 2018 giảm 120 tỷ đồng so với năm 2017.
Theo ông Phạm Văn Trường - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, việc đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế cần thực hiện theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị SNCL do ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên. Mặt khác, cần đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị SNCL.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (bao gồm cả cán bộ quản lý). Đồng thời, có chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị SNCL; cùng với đó, thực hiện đào tạo lại, hỗ trợ thích hợp đối với viên chức và người lao động dôi dư do sáp nhập, giải thể hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
“Để làm được điều này, các bộ, ngành, địa phương cũng phải khẩn trương xây dựng kế hoạch, hành động quyết liệt mới có thể đạt được các mục tiêu đã được đề ra”- ông Trường nhấn mạnh.
Lĩnh vực y tế, giáo dục giảm chi hàng nghìn tỷ đồng
Cũng theo ông Trường, triển khai thực hiện việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP (quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL), việc phân bổ NSNN chi thường xuyên đối với các đơn vị SNCL được thực hiện theo nguyên tắc: giảm dần hỗ trợ trực tiếp kinh phí đảm bảo thường xuyên đối với các đơn vị SNCL tương ứng với tỷ lệ điều chỉnh tăng mức thu học phí, viện phí theo lộ trình quy định của Chính phủ; dành nguồn hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, ưu tiên kinh phí để thực hiện các chính sách, chương trình, đề án và mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực, thực hiện cải cách tiền lương và các nội dung cấp bách khác của ngành, lĩnh vực.
Trong các năm 2017 - 2018 chỉ tính riêng ở trung ương các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo đã giảm chi NSNN trực tiếp cho các đơn vị SNCL mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng. Đối với các địa phương đã yêu cầu sắp xếp cơ cấu lại chi các lĩnh vực giáo dục, y tế để bổ sung nguồn kinh phí thực hiện các chế độ chính sách, các chương trình, dự án trong lĩnh vực giáo dục, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ khác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo do Hội đồng nhân dân, UBND của các địa phương quyết định; mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đối tượng theo quy định của Luật BHYT; thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tham gia sử dụng dịch vụ y tế công lập; tạo nguồn cải cách tiền lương; tăng chi cho y tế dự phòng; tăng chi đầu tư, mua sắm cho một số nội dung cấp bách khác của ngành y tế.
Ông Trường cho biết thêm, trong thời gian tới, khi các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, việc hỗ trợ từ NSNN sẽ gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công được cung cấp, giá cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng để đảm bảo hiệu quả đầu tư từ NSNN, tránh lãng phí.
Cùng với đó, Nhà nước sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng thực hiện dịch vụ sự nghiệp công có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đầu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, để tạo điều kiện cho cơ sở ngoài công lập cùng tham gia cung cấp; giảm dần các sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, giao kế hoạch.
Bùi Tư
相关文章
随便看看