(CMO) “Các cấp lãnh đạo và các đơn vị thiếu chủ động, từ đó tốc độ phát triển của huyện còn thấp hơn so với các huyện khác. Do đó, huyện phải chủ động kết hợp với các sở ngành để tháo gỡ khó khăn, cụ thể phải rà soát lại những việc, lĩnh vực thuộc thẩm quyền phải giải quyết ngay, nếu vượt phải xin ý kiến của sở, ngành tỉnh… Đây là công việc của huyện mà không ai làm thay được”.Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau Phạm Bạch Đằng sau chuyến khảo sát thực tế và làm việc với Huyện uỷ Ngọc Hiển ngày 22/3. Cùng đi với đoàn còn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân và Lê Văn Sử. Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau Phạm Bạch Đằng (bìa trái) khảo sát mô hình nuôi chồn hương ở ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển. Những tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tại buổi làm việc UBND huyện Ngọc Hiển có nhiều kiến nghị với đoàn liên quan đến đất rừng trên địa bàn. Cụ thể, Phó bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển Quách Xuân Cận kiến nghị tỉnh cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Dự án CWPD từ đất lâm nghiệp sang đất nuôi tôm siêu thâm canh, tuyến từ Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng đến Tiểu khu 120 Hóc Năng, với tổng diện tích 346 ha. Bởi theo ông Cận, khi thực hiện Dự án CWPD, đã vận động và di dời dân tái định cư, định canh theo phương châm đất đổi đất. Tức di dời đến nơi ở mới, được nhận đất mới tương đương với diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản ở nơi cũ. Mặt khác, ở khu vực này là đất gò cao không thích nghi cây ngập mặn nhưng phù hợp với nuôi tôm siêu thâm canh. Liên quan đến đất rừng, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến kiến nghị tỉnh cho chủ trương xử lý phần diện tích 87,94 ha chồng lấn giữa Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau với UBND xã Đất Mũi. Do việc thu hồi đất của Vườn Quốc gia giao cho UBND xã quản lý chưa thực hiện được nên huyện gặp khó khăn trong công tác lập quy hoạch và triển khai quy hoạch. Ngoài ra, UBND huyện còn xin chủ trương thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ven tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn từ cầu Lạch Vàm đến cầu số 3 (dọc theo bên trái), với chiều dài 3.500 m, rộng 50 m, tổng diện tích 17,5 ha để sắp xếp dân cư. Theo ông Cận, trên tuyến này có 240 hộ dân đang sinh sống, có nhà ở ổn định trước khi thành lập Vườn Quốc gia và thi công xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, huyện còn xin chủ trương thu hồi đất rừng sản xuất, do các Ban quản lý rừng và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển quản lý (giao khoán cho dân) để thực hiện việc giao đất (cấp sổ đỏ), để họ chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Riêng đối với tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Năm Căn đến cầu Kinh Hồ (giáp ranh thị trấn Rạch Gốc và xã Viên An Đông) là đất rừng sản xuất, cho thực hiện trước để huyện quy hoạch cụm tuyến dân cư gắn với phát triển làng nghề kinh doanh, dịch vụ du lịch, phát triển khu đô thị thị trấn Rạch Gốc. Bởi theo ông Tiến, hiện nay khu vực này đang xảy ra rất nhiều bức xúc, một số trường hợp được cho chủ trương đầu tư nhưng không thể triển khai xây dựng do là đất lâm nghiệp. Trước những kiến nghị của huyện, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau Phan Văn Minh cho biết, đối với việc chuyển sang nuôi tôm siêu thâm canh, qua đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất thì hiện nay là đất rừng sản xuất, do đó không phù hợp với quy hoạch. Đối với khu chồng lấn giữa vườn quốc gia và UBND xã thì khu vực này là đất phi nông nghiệp, do đó sở sẽ phối hợp sở, ngành liên quan để điều chỉnh quy hoạch. Riêng đối với tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Năm Căn đến cầu Kinh Hồ, ông Minh khẳng định, đây vẫn là rừng sản xuất nên kiến nghị của UBND huyện cho chuyển đổi mục đích là không thực hiện được. Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau Nguyễn Văn Thư cho biết, tỉnh đang tiến hành sắp xếp lại 2 công ty lâm nghiệp cũng như các ban quản lý rừng theo hướng các công ty và các ban quản lý chỉ giữ lại một phần, còn lại sẽ giao về cho địa phương cấp cho dân. Do đó, khi hoàn thành việc sắp xắp thì việc thu hồi và giao đất (cấp sổ đỏ) sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển rừng. Trước những kiến nghị của huyện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định, vấn đề chính hiện nay chính là quy hoạch, trên thực tế tỉnh huyện rất muốn chuyển đổi mục đích để tạo điều kiện cho người dân sản xuất. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị dừng. Quy hoạch mới đã được thông qua các bộ, ngành Trung ương, đang chờ Chính phủ xem xét phê duyệt. Các vấn đề liên quan đến đất chồng lấn giữa vườn quốc gia và UBND xã Đất Mũi tỉnh không thể xử lý được do vượt thẩm quyền. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp với các sở, ngành có liên quan củng cố hồ sơ, thủ tục để trình Thủ tướng xem xét. Trong buổi làm việc, huyện còn kiến nghị tỉnh cho chủ trương và kinh phí đầu tư xây dựng Nhà bia tưởng niệm và ghi danh liệt sĩ tại Khu di tích Bến Vàm Lũng, dự kiến tổng kinh phí 10 tỷ đồng; sớm đầu tư công trình tuyến đường đấu nối từ Cảng cá Rạch Gốc đến đường Hồ Chí Minh, đảm bảo phục vụ cảng cá; đầu tư xây dựng mới Trụ sở hành chính thị trấn Rạch Gốc…. Kết thúc buổi làm việc, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Bạch Đằng chỉ đạo, Ngọc Hiển là huyện có rất nhiều điều kiện để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Huyện phải chủ động kết hợp với các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn, nhất là trên lĩnh vực đất rừng. Chủ động kêu gọi đầu tư, nhất là khai thác tuyến đường Hồ Chí Minh để phát triển du lịch, qua đó phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng du lịch, nhất là giá cả, mỹ quan... Chủ động phòng chống dịch bệnh, nhất là trên người, quan tâm đến đời sống các gia đình chính sách, hộ nghèo... Trước đó, đoàn đã đến khảo sát một số mô hình sản xuất tại ấp Ông Định, khu vực cảng cá Rạch Gốc, khu di tích bến Vàm Lũng. Nguyễn Phú |