【kq bong da laliga】Đa số người Hà Nội muốn hạn chế xe máy để giảm ùn tắc giao thông
Đây là một trong những nội dung chính trong Tờ trình đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Theo Tờ trình, công tác điều tra khảo sát phỏng vấn hộ gia đình được Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Công an thành phố thực hiện lấy phiếu khảo sát, điều tra phỏng vấn xã hội học. Số lượng 15.337 phiếu; phạm vi 30 quận, huyện; phát phiếu điều tra tới từng hộ gia đình; đối tượng điều tra là các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, tỷ lệ ủng hộ chính sách tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động phương tiện giao thông cá nhân của người dân thành phố Hà Nội là 84%, trong khu vực vành đai 3 là 85,1%; số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy là 90,3% nhưng yêu cầu phải có những điều kiện như hoạt động vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân...
Có tới 71,7% số người được lấy ý kiến ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông; trong đó khu vực vành đai 3 có số người được lấy ý kiến ủng hộ là 67,1%.
Qua việc nghiên cứu kinh nghiệm về quản lý phương tiện giao thông đường bộ ở một số đô thị châu Âu, châu Á, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhận thấy, muốn hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tất cả các nước đều phát triển hệ thống giao thông công cộng và có các giải pháp hỗ trợ người dân sử dụng hệ thông giao thông công cộng đồng thời với việc đưa vào các rào cản cũng như các biện pháp hành chính nhằm hạn chế người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông (như thu phí giờ cao điểm, phí nội đô, phí đỗ xe cao…)
Hà Nội tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt 30% - 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 khoảng 50% - 55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%.
Thành phố cũng tính toán đến việc điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng trên địa bàn (theo năm sản xuất) thông qua đăng ký, để đề xuât các biện pháp thu hồi, xử lý đối với xe không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy; đề xuất mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành…
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin (ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý điều hành giao thông là điều kiện bắt buộc để thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ) đi kèm với các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích, tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi bộ, sử dụng xe đạp cần được quan tâm thực hiện thường xuyên.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đưa ra lộ trình thực hiện giải pháp quản lý hạn chế phương tiện giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Theo đó, giai đoạn 2017-2018 tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải.
Giai đoạn 2017-2020 tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
Giai đoạn 2017-2030 từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030./.
Theo Vietnam+