Cụm công nghiệp “tự phát” 22 năm
Theo phản ánh của các DN, thôn Lại Dụ, xã An Thượng là một trong những thôn, xã nghèo của huyện Hoài Đức, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, canh tác trồng cây lâu năm. Do việc trồng cây không mang lại hiệu quả cao, từ năm 1994 một số hộ gia đình đã mạnh dạn huy động vốn từ nhiều nguồn để đầu tư nhà xưởng sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ.
Đến nay, đã có tới hơn 40 DN được thành lập, đầu tư gần 1.000 tỷ đồng xây dựng nhiều nhà xưởng quy mô lớn, trang thiết bị máy móc hiện đại với nhiều lĩnh vực ngành nghề như: sản xuất các thiết bị tàu thuỷ hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, đóng giấy vở học sinh, sản xuất bánh kẹo, cơ khí, sản xuất tủ điện…, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động trong và ngoài xã với thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, đầu tháng 6-2016, UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo UBND xã An Thượng yêu cầu các DN tự tháo dỡ nhà xưởng, máy móc trang thiết bị di dời đi nơi khác. Theo đó, sau 3 cuộc đối thoại với hơn 40 DN, từ ngày 5 đến 7-7-2016 chính quyền xã đã thực hiện việc hỗ trợ DN tháo dỡ, di dời nhà xưởng theo thông báo ngày 30-6-2016 mà các DN nhận được về việc cưỡng chế vi phạm hành chính về đất đai tại thôn Lại Dụ.
Sở dĩ có sự việc này, theo ông Kiều Ngọc Hưng, Hội phó Hội Doanh nghiệp thôn Lại Dụ, từ năm 2007 thôn Lại Dụ đã đề nghị lên xã An Thượng về việc chuyển khu vực này thành khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề. Đến năm 2013, HĐND xã An Thượng ra Nghị quyết số 28/2013/NQ-HĐND về việc thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, trong quy hoạch nông thôn mới xã đã đưa 4,5 ha thôn Lại Dụ vào quy hoạch điểm cụm công nghiệp trình lên UBND huyện Hoài Đức xin phê duyệt và đã được huyện chấp thuận về mặt chủ trương, sau đó quy hoạch được trình lên UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay điểm cụm công nghiệp này vẫn chưa được phê duyệt do nằm trong hành lang thoát lũ của sông Đáy.
Mặc dù vậy, ông Hưng cho biết, các DN khi đầu tư vào đây đã tìm hiểu và được chính quyền xã hướng dẫn, cho biết trong tương lai, khu này sẽ được chuyển đổi thành khu công nghiệp vừa và nhỏ. Từ sự kêu gọi của chính quyền địa phương, nhiều DN đã về đây mua đất, đầu tư làm xưởng. Đồng thời, các DN được UBND xã An Thượng và thôn ủng hộ, tạo điều kiện cho DN đứng ra tổ chức làm đường bê tông theo phương thức DN bỏ tiền, chính quyền thực hiện. Ngoài ra chính quyền còn cho xây trạm biến áp công suất 1000 KVA-22/0,4KV để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, không chỉ làm ăn có hiệu quả, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, có nhiều đóng góp cho kinh tế, ngân sách Nhà nước, bản thân các DN cũng đã tham gia hỗ trợ rất lớn cho các phong trào của địa phương.
Cần hỗ trợ, có lộ trình phù hợp
Theo các DN, với quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sử dụng đất đai, buộc các DN phải tháo dỡ, di dời nhà xưởng, tài sản ra trong một thời gian rất ngắn sẽ đẩy các DN vào tình thế vô cùng khó khăn. Theo đó, việc tháo dỡ, di dời sẽ gây thiệt hại cho hơn 40 DN khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, 2.000 lao động sẽ mất việc làm, dễ nảy sinh tệ nạn xã hội. Điều đáng nói, các DN hầu hết đầu tư bằng vốn vay ngân hàng, do đó nguy cơ DN bị ngân hàng siết nợ rất cao.
Ông Nguyễn Quang Trịnh, Giám đốc Công ty TNHN in và sản xuất bao bì Ánh Dương cho biết, năm 2013 DN khi mua hơn 1.000 m2 đất và xây dựng nhà xưởng tại đây thì tại thôn Lại Dụ có 26 doanh nghiệp đã đầu tư về đây sản xuất kinh doanh và việc làm ăn rất tốt. Đến nay, tổng vốn đầu tư của DN khoảng 25-30 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 80 cán bộ công nhân viên. Vì thế, ông Trịnh cho biết, khi nhận được thông báo cưỡng chế, giải tỏa 43 cơ sở làm ăn của DN, ông cảm thấy rất hoang mang, lo lắng bởi tài sản, tiền thế chấp, vay mượn ngân hàng không trả được, toàn thể cán bộ công nhân viên đi đâu, về đâu.
“Với tư cách là đại diện DN, tôi mong các cấp lãnh đạo giúp đỡ chúng tôi. Nếu như bây giờ bị giải thể hoặc di chuyển thì chúng tôi sẽ bị phá sản, kính mong các cấp lãnh đạo cứu chúng tôi”, ông Trịnh kiến nghị. Ông Kiều Ngọc Hưng cũng cho biết, riêng DN của ông cũng mất ít nhất cũng 2 – 3 tỷ đồng và gần như sẽ phá sản.
Ông Hà Trung Kiên, đại diện Công ty Cổ phần thực phẩm Green Việt Nam chia sẻ, từ chỗ là hộ kinh doanh cá thể, do xã có chủ trương nên DN về đầu tư theo tiếng gọi của địa phương để góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân trong thôn trong xã, tổng mức đầu tư đã lên hơn 20 tỷ. “Theo đúng chủ trương, nếu huyện tiến hành di dời và tháo dỡ nhà xưởng đi thì DN sẽ rơi vào tình trạng phá sản. Tất cả vốn liếng tích luỹ bao nhiêu năm nay chúng tôi đã đầu tư vào đất đai, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị. Đặc biệt, nếu di dời chúng tôi biết đi đâu? Chi phí di dời giải quyết công ăn việc làm người lao động ra sao?”, ông Kiên bức xúc.
Để một cụm công nghiệp tự phát tồn tại trong 22 năm và đùng một cái buộc DN phải tự tháo dỡ, di dời nhà xưởng cùng hàng trăm tấn máy móc thiết bị, (trong đó có những thiết bị hiện đại phải hoạt động trong môi trường máy lạnh) chỉ trong vòng một tháng, rõ ràng cách xử lý của chính quyền là nóng vội, chưa hợp tình hợp lý, trong khi Chính phủ đã và đang nỗ lực có các giải pháp hỗ trợ cộng đồng DN, đặc biệt là các DN NVV. Thiết nghĩ, câu chuyện của cụm công nghiệp này là vấn đề lịch sử để lại, vì thế các cấp chính quyền cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ hơn 40 DN này có lộ trình tháo dỡ, di dời nhà xưởng, ổn định sản xuất kinh doanh.
Ngày 6-7-2016, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 5601/VPCP-ĐMDN gửi UBND TP.Hà Nội nêu rõ: Ngày 6-7-2016, Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản của tập thể DN tại cụm công nghiệp Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội kiến nghị về việc cưỡng chế tháo dỡ nhà xưởng. Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Văn phòng Chính phủ chuyển văn bản nêu trên đến UBND TP.Hà Nội để xem xét, xử lý và trả lời theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện". |