【lịch vô địch pháp】Mai một nghề đóng xuồng

时间:2025-01-25 19:01:55来源:88Point 作者:Thể thao

Báo Cà Mau(CMO) Ngược dòng thời gian, độ chừng nửa thế kỷ, thời được xem là phồn thịnh nhất của nghề đóng ghe, xuồng ở miệt sông nước Cà Mau, tại một ấp nhỏ của xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, có một làng nghề đóng ghe xuồng nổi tiếng: Làng nghề đóng ghe xuồng Rạch Bần trứ danh đã tồn tại hơn 30 năm.

Đa phần những người theo nghề “ồn ào” này đều là những người thợ tài hoa, yêu nghề. Hơn ai hết, họ luôn tâm niệm một điều rằng nơi nào có sông, nước thì nơi đó cái nghề của họ vẫn sống và tồn tại. Vì thế, dù qua bao thăng trầm, khó khăn, họ vẫn bám trụ nghề như sinh mạng của chính mình.

Ông Phước Văn Chinh cẩn thận gọt giũa lại chiếc xuồng để giao cho khách.

Men theo con lộ nhỏ ngoằn ngoèo hun hút, phải qua mấy bận cầu, sông mới tìm được làng nghề đóng ghe, xuồng Rạch Bần. Do tập quán sinh hoạt, cũng tiện cho việc lên xuống ghe xuồng khi xuất xưởng nên hầu hết các xưởng đóng ghe xuồng đều nằm dọc các con sông.

Mới lưng chừng trưa mà nơi đây im ắng, khác hẳn so với không khí náo nhiệt ồn ào mà một làng nghề vốn có. Người đàn ông gần tuổi thất tuần nhưng dáng vẻ vẫn mạnh khoẻ, không giấu nổi nét ưu tư khi có người hỏi đến cái nghề của mình.

Ông Phước Văn Chinh, một trong những người tiên phong mở trại xuồng ngán ngẩm: “Theo nghề từ năm 20 tuổi, vốn chẳng phải cha truyền con nối, cái nghề tôi có được hôm nay là nhờ “tích cóp” học được”.

Nghề đóng xuồng lúc bấy giờ là nghề “hái ra tiền” hết thảy, bởi đi lại, ăn ở đều phụ thuộc ghe xuồng, nên ai cũng ráng đeo mà học nghề cho thạo.

Buổi đầu do nhà nghèo, khó khăn, vừa học vừa làm vần công nên mỗi ngày được trả vài ngàn là “mừng húm”. Sau bao năm “bôn ba” khắp xưởng, tằn tiện tích cóp, ông cũng mở được cái xưởng riêng cho mình.

Vợ ông, bà Lê Thị Dơn, 68 tuổi, cho hay: “Mùa đóng xuồng cao điểm nhất là từ đầu tháng 9, 10 âm lịch trở đi. Cỡ chục năm trước mần thấy ham lắm, cả xưởng được 18 nhân công, suốt ngày cưa, xẻ ì xèo vậy mà vui tai, bởi làm ăn được chứ đâu như bây giờ…”.

Bỏ lửng câu nói, ngó ra cái xưởng đang vắng tanh, rồi ông bà nhìn nhau ngao ngán: “Giờ chỉ còn tôi và 2 thằng con làm thôi, xưởng ngày càng vắng khách, nhân công mướn thì không thèm làm, chê trả công rẻ nên bỏ đi lên thành phố làm công nhân gần hết. Xưởng to vậy chứ “ế” mấy năm nay, ai đặt mới dám làm, không dám đóng sẵn, sợ lỗ vốn”.

Mặc dù xưởng vẫn duy trì đến nay nhưng hoạt động cầm chừng, 3 hay 4 ngày mới có khách đặt hàng nhưng toàn loại nhỏ như xuồng ba lá…

Là một người thợ được cha truyền nghề hẳn hoi nên tay nghề của ông Nguyễn Văn Trường, 52 tuổi thuộc diện “chắc” hơn ai hết. Xưởng đóng xuồng Trường An được gầy dựng 2 đời bề thế nay đã trở thành xưởng cưa, xẻ gỗ để duy trì cái nghề truyền thống gia đình.

13 tuổi theo cha học nghề, vốn yêu thích nghề này từ nhỏ nên chẳng mất quá nhiều thời gian ông đã thạo nghề.

"Lúc trước xưởng đóng đa dạng các loại ghe tầm nhỏ, xuồng be tám, be chín, xuồng ba lá, năm lá, nhưng giờ rất hiếm, lâu lâu mới đóng được chiếc xuồng nhỏ như xuồng ba lá, phà sên đất lá để đi thăm vuông, đặt lú. Mỗi chiếc dao động từ 2,1-2,5 triệu đồng. Lâu lâu mới đóng được một cái, lấy gì mà sống”, ông Trường rầu rĩ.

Lần lượt từng tốp lính học nghề, thợ đều “đội nón” ra đi khi xưởng thưa dần khách. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông Trường quyết định “ôm” luôn nghề cưa, xẻ gỗ để duy trì xưởng.

Tính ra nghề xẻ gỗ vẫn kiếm được chút đỉnh bởi gỗ dựng nhà, làm nội thất nên cũng tạm ổn, lâu lâu được đơn đặt hàng đóng xuồng ông nhận như ôn lại nghề xưa chứ tay nghề không “ngon” như trước nữa.

Ông Phạm Văn Doanh là một người con xứ Huế, do yêu nghề “dạt” về miệt Cà Mau rồi bám trụ lại nơi này. Xưởng đóng xuồng ghe Hoàng Doanh của ông nay đổi thành tiệm gỗ nội thất, lòng ông không khỏi tiếc nuối.

“Lâu lâu nhớ nghề qua xưởng bạn chơi, sẵn ôn lại vài “ngón” cưa, bào cho đỡ ghiền. Đa phần các xưởng đều có thêm nghề tay trái, chứ không thể trông chờ vào nghề này", ông Doanh than.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ tuyến giao thông đường bộ, cùng với cạnh tranh của mặt hàng composite, nghề truyền thống đóng xuồng, ghe dần bị mai một và dần chìm vào quên lãng.

Hơn nửa đời người gắn bó với nghề, những người chủ xưởng cuối cùng của làng đóng ghe xuồng Rạch Bần như ông Chinh, ông Trường không khỏi trăn trở: “Nếu cứ như thế này, thợ đi hết, cái nghề cha ông cũng bị mai một dần rồi mất hẳn là chuyện sớm muộn”.

Không ít xưởng tại làng nghề đóng xuồng, ghe Rạch Bần đang phải treo bảng sang xưởng, những khối gỗ ngâm lâu ngày dưới con sông Rạch Bần vẫn nằm im chờ ngày được xuất xưởng. Ai đã từng “sống chết” với cái nghề đóng ghe xuồng không khỏi mông lung trăn trở, nuôi hy vọng về sự hồi sinh một làng nghề.

Một thời, chiếc xuồng không chỉ là phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hoá, mà còn là ngôi nhà thứ hai của không biết bao nhiêu phận người sống kiếp thương hồ. Chỉ cần tàu lá lợp vội, căng tấm bạt làm nóc, vài cái chén, cái nồi, đôi đũa... đã thành nơi ăn chốn ở. Rồi không biết bao nhiêu thế hệ được sinh ra và lớn lên trên những chiếc xuồng, ghe ấy…

Ngô Yến Nhi

相关内容
推荐内容