Tiến sĩ,àbáoNhịLêTôiấntượngvớisựtônvinhTổngBíthưcủaNhândâket qua tran ac Nhà báo Nhị Lê:Tôi có vinh dự làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ khi tôi mới 25 tuổi. Càng vinh dự hơn, năm 1984, chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ với cương vị là Phó Vụ trưởng Vụ Xây dựng Đảng cùng với Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ của Tạp chí Cộng sản trực tiếp đến trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nơi Tổng Bí thư học tập những năm 1963-1967) xin những sinh viên khá, giỏi, và nhận tôi khi đang còn tại ngũ Quân đội Nhân dân trên Hà Giang.
Có thể nói, về công tác tại Tạp chí Cộng sản và được chính Tổng Bí thư lúc bấy giờ lựa chọn là một mối duyên lớn trong cuộc đời tôi. Khi tôi về Tạp chí, lúc đó Tổng Bí thư 40 tuổi, còn tôi 25 tuổi. Tôi gọi Tổng Bí thư là Anh và cũng là người Thầy, người Thủ trưởng của tôi. Đó là khoảng thời gian vô cùng quý báu, tôi được Tổng Bí thư dìu dắt, tận tâm chỉ bảo để tôi từng bước trưởng thành.
Tôi vẫn nhớ, ông luôn nói để tích lũy kiến thức thì phải đi thực tiễn nhiều, trên cơ sở thực tế thì mới khái quát thành lý luận.
Để rèn tôi, Tổng Bí thư giao tôi nhiệm vụ phải đi thực tế 10 ngày/tháng. Trong 2 năm liền, tuần nào, tháng nào tôi cũng đạp xe đạp lên Phúc Thọ (huyện ngoại thành Hà Nội) - nơi mà đích thân Tổng Bí thư trực tiếp dẫn tôi lên.
Không chỉ dạy tôi ở mặt chuyên môn về lý luận chính trị mà Tổng Bí thư cũng luôn chỉ bảo tôi cách sống. Ông thường nói với tôi: “Có đức không có sức mà ăn”.
Chính tình cảm thầm lặng Tổng Bí thư dành cho tôi như một cái neo giữ tôi ở Tạp chí Cộng sản, dù sau này có nhiều cơ hội nghề nghiệp mở ra.
Sau này, khi đã giữ vai trò Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, hay Tổng Bí thư, dù bận rất nhiều công việc nhưng Tổng Bí thư vẫn luôn dành cho tôi sự quan tâm, động viên rất lớn.
Người dân, các chuyên gia, bạn bè quốc tế dành rất nhiều tình cảm cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gọi ông là “Tổng Bí thư của Nhân dân". Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Tiến sĩ, Nhà báo Nhị Lê:Tất cả những điều mà đông đảo Nhân dân dành cho Tổng Bí thư hoàn toàn xác đáng. Bởi vì không gì vĩ đại bằng bộ óc Nhân dân. Vì, “Thương Dân, Dân lập bàn thờ”.
Cho nên những danh hiệu như: “Tổng Bí thư của Nhân dân”; “Sĩ phu Bắc Hà”, “Tư lệnh của lòng Dân”, “Người kết tinh khát vọng của Nhân dân”… đều do Nhân dân tôn quý và “tấn phong” cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với danh xưng “Tổng Bí thư của Nhân dân”.
Tại sao nói "Tổng Bí thư của Nhân dân" mà không nói là Tổng Bí thư của Đảng? Ở đó, hàm ý Đảng này đã được Nhân dân yêu mến, đồng chí là Tổng Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhưng Nhân dân coi đồng chí Nguyễn Phú Trọng là "Tổng Bí thư của Nhân dân", tức là Tổng Bí thư của mình, và gọi Đảng là Đảng ta.
Tôi nghĩ ở đây có một sự thống nhất đến mức tuyệt vời. Sự trưởng thành của Đảng trong lòng Nhân dân với tư cách là đứa con nòi của Nhân dân và Đảng thề nguyện phụng sự Nhân dân. Nhân dân sinh ra Đảng, người dân nhìn Đảng - đứa con nòi của mình - thông qua đồng chí Tổng Bí thư. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta là Đảng của dân tộc là vì thế! Và, trên công luận hay truyền thông xã hội tôi thường đọc thấy thuật ngữ ấy.
Còn những danh phong khác như "Sĩ phu Bắc Hà", "Người đốt lò vĩ đại"… là tôn vinh trên từng phương diện khác nhau.
Nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Thực tế trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua, chúng ta đạt được rất nhiều kết quả, tạo sự đồng thuận trong cán bộ đảng viên và Nhân dân. Ông nhìn nhận như thế nào về kết quả này?
Tiến sĩ, Nhà báo Nhị Lê:Theo tôi, đây là kết quả tất yếu, cũng là sự gặp gỡ đến mức như cùng hẹn trước giữa những quyết sách của Trung ương Đảng với khát vọng của Nhân dân.
Từ những năm 1991, tôi vinh dự được làm việc bên cạnh Tổng Bí thư tại Tạp chí Cộng sản thì cũng đã nhiều lần trao đổi về vấn đề này. Dưới sự chỉ đạo của ông với tư cách là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản lúc bấy giờ, tôi cũng viết 3 bài về phòng, chống tham nhũng.
Sau này, tôi tiếp tục có cơ hội trao đổi trực tiếp với Tổng Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng. Tôi nói: “Anh ạ, trong 5 nguy cơ làm mất nước, nói như lời cổ nhân là nguy cơ thứ tư”. Tôi cũng đọc cho anh nghe câu của Bảng nhãn Lê Quý Đôn: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không kính thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham nhũng tràn lan; năm, sĩ phu ngoảnh mặt”.
Khi Tổng Bí thư tham gia Tiểu ban Văn kiện tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII, vào tháng 1/1994, thì nguy cơ thứ 4 cũng chính là nguy cơ về tham nhũng đã được khẳng định trong văn kiện.
Đây là quá trình nghiên cứu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng cũng là nhu cầu phát triển của công cuộc đổi mới. Cho nên mới có sự xác quyết không chống tham nhũng thì không có bất kỳ một sự đổi mới thành công nào như mong muốn. Đây là điều mà qua rất nhiều lần trao đổi, tôi đọc được trong tư tưởng của Tổng Bí thư.
Về vai trò của Tổng Bí thư trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì như chúng ta biết, cơ quan phòng, chống tham nhũng có sự đổi mới rất quan trọng. Trước những năm 2020, cơ quan này thuộc Chính phủ. Trung ương quyết định chuyển Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Và sau đó, tái lập Ban Nội chính Trung ương và là cơ quan tham mưu Bộ Chính trị và giúp cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư.
Tôi cho rằng, đấy là “bước chuyển” lớn nhất về tầm nhìn theo sự yêu cầu của thực tiễn nhằm đặt lại vị thế, chức năng, nhiệm vụ của ban này trong toàn bộ hệ thống của chúng ta. Cùng với đó là cơ cấu lại về mặt lực lượng phòng, chống tham nhũng và đổi mới cơ chế vận hành...
Điều quan trọng nhất là lựa chọn người đứng đầu bộ máy phòng, chống tham nhũng. Điều đó được Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị tin cậy trao cho đồng chí Tổng Bí thư.
Kết quả như chúng ta biết 10 năm qua, thành quả trên địa hạt này như thế nào. Chính đó là một động lực để Đảng chỉnh đốn mình, chỉnh đốn hệ thống chính trị và không ngừng phát triển, là một nguyên nhân để tạo nên thế nước, giữ vững lòng dân. Nói cách khác, đó cũng là một động lực vô cùng mạnh mẽ để tạo nên lòng dân ủng hộ Đảng, ủng hộ Nhà nước, ủng hộ Chính phủ thật sự mạnh mẽ trong đại cuộc chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay và sắp tới.
Không chỉ là người tiên phong trong công cuộc phòng chống tham nhũng, trong nhiều bài phát biểu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều đề cao vai trò của công tác cán bộ. Ông có thể lý giải rõ hơn về chủ trương này của Tổng Bí thư?
Tiến sĩ, Nhà báo Nhị Lê: Tổng Bí thư coi công tác cán bộ là chìa khóa của chìa khóa, then chốt của then chốt. Cho nên chúng ta thấy nhiều quy định trong 3 năm gần đây đều xung quanh công tác cán bộ.
Đầu tiên là Quy định số 205, Quy định số 47 về những điều đảng viên không được làm; đặc biệt gần đây nhất là Quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức đảng viên hiện nay do chính Tổng Bí thư ký và ban hành.
Theo Tổng Bí thư, nếu không bắt đầu chỉnh đốn từ cán bộ thì rất khó xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngang tầm công cuộc đổi mới.
Tổng Bí thư thường nói sau khi có đường lối đúng, thì nhân tố quyết định thành bại là cán bộ và công tác cán bộ. Vì thế, các bộ quy chế trong Đảng đều do Tổng Bí thư ký và ban hành. Đấy chính là sự xác quyết quyết tâm và là sự thể hiện sinh động thực hiện thống nhất và đồng bộ quyết sách của Đại hội Đảng lần thứ 12 về xây dựng Đảng và quyết định xây dựng Đảng về cán bộ của Đại hội Đảng lần thứ 13.
Xin cảm ơn ông!