Sáng 11/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 3. Theo báo cáo này, dù kinh tế trong nước quý 3 đã phục hồi so với đầu năm, nhưng vẫn không đủ bù đắp sự suy giảm của ngành nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng. Do đó, nhóm nghiên cứu của VEPR vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 là 6% hoặc thấp hơn (tương đương mức dự báo trong quý 2). Đồng thời lưu ý tới việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô thay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao. Giảm lãi suất sẽ tạo cú huých cho doanh nghiệp Trong quý còn lại của năm, một trong các lưu ý được báo cáo đề cập là tình hình lạm phát. Giá dịch vụ y tế mới được điều chỉnh, giá năng lượng hồi phục, giá lương thực vẫn là ẩn số… là những yếu tố gây áp lực với lạm phát. Trong khi đó, cung tiền vẫn đang được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước. Những yếu tố này khiến lạm phát hoàn toàn có thể khả năng chạm mức 5%. Do đó, VEPR đề nghị cần thận trọng với việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, đặc biệt là linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng quý 4 và đầu năm 2017. Tại báo cáo này, VEPR cũng lưu ý nguồn vốn huy động dồi dào trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức vừa phải thời gian qua tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Giám đốc VEPR Nguyễn Đức Thành phân tích, trong quý 3, huy động vốn tiếp tục tăng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 20/9/2016 đã tăng 12,2% so với cuối năm 2015 và cao hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước tính đạt 10,5%, giảm nhẹ so với năm 2015. Sức ép từ cầu tín dụng đã không còn, thay vào đó, huy động vốn dồi dào đã giúp mặt bằng lãi suất trong nước giảm dần trong quý 3. Lãi suất bình quân liên ngân hàng, cả qua đêm và một tuần đều giảm liên tục trong 3 tháng vừa qua. Nguồn huy động dồi dào đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại lớn hạ lãi suất huy động, sau một thời gian dài giữ ở mức kịch trần. Do đó, VEPR cho rằng đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước. Điều này kỳ vọng góp phần tạo ra một cú huých cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ, cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Như vậy, đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể được củng cố vững chắc hơn. Nợ xấu vẫn là lực cản với nền kinh tế Tuy nhiên, bình luận tại buổi họp báo, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, khả năng thực tế giảm lãi suất là rất khó. Bởi cho dù huy động vốn dồi dào, nhưng vấn đề ở là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sau nhiều năm giải quyết vẫn chưa tìm được giải pháp hiệu quả. "Khối nợ xấu lớn tồn tại trong hệ thống làm cản trở vốn hiệu dụng cho nền kinh tế, buộc các ngân hàng phải duy trì mức lãi suất cho vay cao để bù đắp phần thua lỗ từ nợ xấu. Do đó, để giảm lãi suất cần có giải pháp rõ ràng cho việc xử lý nợ xấu. Đồng thời, áp lực lạm phát cuối năm cũng khiến lãi suất khó có cơ hội giảm", ông Trương Đình Tuyển nói. Cùng quan điểm nợ xấu đang là lực cản lớn với lĩnh vực ngân hàng cũng như với nền kinh tế, ông Nguyễn Đức Thành cũng nhận xét bối cảnh thị trường tài chính giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau rất phức tạp. Trong đó, nợ xấu cần một quyết tâm chính trị mạnh mẽ để xử lý căn cơ. Nếu không xử lý được nợ xấu, nền kinh tế sẽ tiếp tục kịch bản như hiện nay. Đó là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục “mờ nhạt”, trong khi các nước khác dần phục hồi khỏi khủng hoảng kinh tế. Điều nghiêm trọng hơn ít được nhắc đến là hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam với khối nợ này sẽ dần suy yếu, không có khả năng tăng vốn. Khi đó, hệ số an toàn của các ngân hàng không thể tăng lên, ảnh hưởng đến quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam trong tương lai. “Những hậu quả này không đến ngay mà diễn ra từ từ, không tác động mạnh hay gây đau đớn một lúc, nhưng hậu quả lâu dài sẽ rất nghiêm trọng”, ông Nguyễn Đức Thành nói./. H.Y |