Dưới đây là 7 vị CEO hết sức nổi tiếng trong giới IT và cũng là bậc thầy về kinh doanh. 1- Steve Jobs Có quá nhiều điều để nói về nhà đồng sáng lập của hãng Apple. Ông được coi là một trong những huyền thoại vĩ đại nhất mà làng công nghệ thế giới từng có được,ữngtỷphúcôngnghệcũnglàthiêntàkết quả belarus với óc sáng tạo đáng kinh ngạc và tầm nhìn tuyệt vời. Jobs biết một cách tường tận nhất làm thế nào để bán chạy tất cả các sản phẩm mà mình tạo ra. Từ những bài thuyết trình cho đến những buổi trò chuyện hay thảo luận, mọi cử chỉ của ông đều nhằm mục đích quảng bá cho thương hiệu và sản phẩm của mình. Ông lần đầu công bố chiếc smartphone cảm ứng đa điểm iPhone vào ngày 9/1/2007, và Apple chính thức bán ra ngày 29/6 cùng năm đó. Kể từ đó đến nay doanh số bán hàng toàn cầu của siêu phẩm này tăng trưởng đều đặn sau mỗi năm, trong khi thương hiệu hình quả táo cắn dở được Forbes định giá tới 145 tỷ USD, đứng đầu thế giới và trị giá hơn gấp đôi so với vị trí thứ nhì của Microsoft. Jobs thậm chí từng bán công ty NeXT Software do mình thành lập cho chính Apple vào năm 1997, khi đồng ý quay trở về Apple trong vai trò CEO tạm quyền để vực dậy “gã khổng lồ” này. 2- Larry Ellison Nhà đồng sáng lập tập đoàn phần mềm lớn thứ nhì thế giới Oracle chính là giám đốc điều hành tại đây từ năm 1977 cho đến tận 2014. Với chiến thuật bán hàng đã trở thành huyền thoại, một tay ông gây dựng công ty chuyên bán phần mềm quản trị hệ cơ sở dữ liệu trở thành một “gã khổng lồ” đạt doanh thu hàng năm 38 tỷ USD như ngày nay. Larry thậm chí còn từng bán hãng hàng không ở Hawaii đang gặp khó của mình cho một quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực. Ông được nhiều người xem là nguyên mẫu cho nhân vật tỷ phú “tay chơi” Tony Stark trong phim bom tấn Marvel Iron Man. Ngoài những ngôi biệt thự sang trọng tại những khu phố đắt đỏ nhất nước Mỹ, Larry còn sở hữu một hòn đảo tư nhân trị giá 500 triệu USD cùng một bộ sưu tập "khủng" các siêu xe, máy bay, du thuyền… 3- Marc Benioff Benioff là nhà sáng lập kiêm CEO của Salesforce – một trong những công ty đi tiên phong và thành công nhất thế giới trong lĩnh vực điện toán đám mây. Ông cũng sớm nổi tiếng về khả năng kinh doanh tài ba. Ngay khi trên ghế nhà trường, ông đã bán được ứng dụng đầu tay “How to Juggle” với giá 75 USD. 15 tuổi, ông thành lập công ty riêng chuyên lập trình và bán các sản phẩm game. Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông gia nhập tập đoàn Oracle với vai trò nhân viên kinh doanh. Tại Oracle, ông từng trải qua lần lượt các vị trí quản lý của bộ phận kinh doanh, marketing và phát triển sản phẩm. Được xem như “ngôi sao sáng” tại đây, mới 26 tuổi Benioff được Larry Ellison đánh giá rất cao và đưa ông trở thành người trẻ nhất được tiến cử vào vị trí Phó chủ tịch công ty. Với kinh nghiệm làm kinh doanh ở đây, ông thành lập Salesforce và giúp công ty của mình nhanh chóng thu được những thành công to lớn trên thương trường với những bản hợp đồng trị giá lên đến hàng trăm triệu USD. 4- Steve Ballmer Nhiều người biết đến Steve Ballmer với vai trò Tổng giám đốc điều hành “gã khổng lồ” phần mềm Microsoft từ năm 2000 đến 2014. Tuy vậy, ít người biết rằng người nhân viên thứ 30 của Microsoft chính là nhân sự quản lý đầu tiên trong phòng kinh doanh của tập đoàn công nghệ lẫy lừng này. Năm 1980, chính nhà đồng sáng lập nổi tiếng Bill Gates đã “mời” Ballmer về làm việc giữa lúc ông đang học MBA tại trường kinh doanh Stanford. Tại Microsoft, bầu nhiệt huyết và thiên tài kinh doanh của Ballmer đã đóng vai trò rất lớn trong việc giúp công ty này từ vị trí start-up nhỏ bé vươn lên thành hãng sản xuất phần mềm số 1 hành tinh. Đến năm 2000, khi ông nhận lại vị trí CEO tập đoàn từ tay Bill Gates, thậm chí nhiều người còn coi đó là “chiến thắng vang dội của vị trí kinh doanh trong một công ty công nghệ và sáng tạo”. 5- Michael Dell Tên tuổi của ông gắn liền với Dell Inc, một trong những tập đoàn máy tính cá nhân nổi tiếng nhất thế giới. Ông chính là nhà sáng lập, cũng là chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành tại đây. Michael Dell cho thấy dấu hiệu của một nhà bán hàng vĩ đại ngay từ khi còn rất trẻ. Khi mới bước vào độ tuổi thiếu niên, ông đã biết đầu tư số tiền làm bán thời gian của mình vào chứng khoán và mua kim loại quý. Khi bước vào học lớp 10, chỉ trong mùa hè năm đó nhờ bán quyền đặt mua tờ báo địa phương Houston Post, Dell đã kiếm tới 18.000 USD – tức là còn nhiều hơn cả mức thu nhập hàng năm của giáo viên dạy môn kinh tế của ông. Sau đó, ngay khi bước chân vào giảng đường Đại học tại University of Texas, với sự say mê máy tính cá nhân đã có sẵn từ khi còn nhỏ ông bắt đầu bán các dụng cụ linh kiện PC. Đó cũng chính là nền tảng để hình thành và phát triển Dell Computers – một trong những hãng sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới. 6- Mark Cuban Nhà đầu tư thiên tài Mark Cuban nổi tiếng trong vai trò chủ tịch hãng truyền hình cáp HDTV của Mỹ AXS TV, chủ sở hữu đội bóng rổ Dallas Mavericks, rạp hát Landmark Theatres và hãng phim Magnolia Pictures. Khi bắt đầu sự nghiệp rực rỡ của mình vào năm 1982, ông khởi đầu với vai trò nhân viên kinh doanh của công ty Your Business Software – một trong những nhà bán lẻ phần mềm máy tính đầu tiên ở Dallas, Texas. Sau 9 tháng làm việc và đem về 15.000 USD, ông mở công ty riêng MicroSolutions chuyên tư vấn về chip và phần mềm PC. Sau khi bán MicroSolutions với giá 6 triệu USD năm 1990, Cuban tiếp tục gặt hái được rất nhiều thành công trên con đường kinh doanh lĩnh vực ICT. Chiến tích đáng kể nhất của ông là bán lại 1 doanh nghiệp khởi nghiệp của mình có tên Broadcast.com cho tập đoàn công nghệ đình đám Yahoo với giá 5,7 tỷ USD vào thời bùng nổ “bong bóng dot com” năm 1999. Sau thành công to lớn này, Cuban đầu tư dàn trải khối tài sản của mình để tránh mối nguy khi một thị trường sụp đổ. 7- David Sacks David Oliver Sacks là một doanh nhân, nhà đầu tư vào công nghệ nổi tiếng gốc Nam Phi. Bản lí lịch ‘hoành tráng’ của ông có nhiều công ty khởi nghiệp do chính ông xây dựng và bán lại sau đó với giá hàng tỷ USD. Có bằng cử nhân kinh tế tại Đại học Stanford, ông khởi đầu sự nghiệp với vai trò tư vấn quản lý ở hãng McKinsey & Co., rồi gia nhập dịch vụ thương mại điện tử PayPal năm 1999 với vai trò Giám đốc điều hành. 3 năm sau, ông bán PayPal cho eBay trong thương vụ trị giá 1,5 tỷ USD. Start-up tiếp theo của Sacks là Yammer chuyên sản xuất phần mềm cho các doanh nghiệp. Công ty này phát triển rất nhanh, đạt trên 5 triệu người tại hơn 300.000 doanh nghiệp toàn cầu dùng chỉ trong 4 năm. Năm 2012, Sacks bán Yammer cho “đại gia” Microsoft, đem về 1,2 tỷ USD. Hiện tại, ông là CEO của start-up Zenefits – hãng chuyên cung cấp phần mềm trên nền điện toán đám mây và đang được định giá 4,5 tỷ USD./. Ngọc Vũ (theo Business Insider / Forbes) |