Nhật Bản chuẩn bị mời Tổng thống Hàn Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh | |
Đức- đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu | |
Đức: FDP nhất trí thành lập liên minh cầm quyền với SPD và đảng Xanh |
Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida trong chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 17-19/3 |
Đây là lần đầu tiên Đức tiến hành tham vấn liên Chính phủ với Nhật Bản và cũng là lần đầu tiên quốc gia Đông Bắc Á thực hiện mô hình đối thoại liên chính phủ với một nước khác. Điều này cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của mối quan hệ hợp tác xuất phát từ nhu cầu nội tại hai nước.
Mô hình này mới lạ với Nhật Bản, song từ lâu đã được Đức triển khai với một số nước đối tác, gần đây nhất là với Ấn Độ, Tây Ban Nha (năm 2022) và Trung Quốc (năm 2021). Cuộc tham vấn với Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên này có chủ đề "An ninh kinh tế", được Đức lựa chọn do là bên khởi xướng việc tiến hành tham vấn liên chính phủ.
Thực tế, nhu cầu tham vấn chính phủ với Nhật Bản ban đầu xuất phát từ phía Đức, ông Scholz đã nêu trong cuộc hội đàm tháng 4 năm ngoái và ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của người đồng cấp Nhật Bản để hai nước có thể thực hiện ngay trong đầu năm nay. Cuối năm ngoái, Đức và Nhật Bản cũng đã tiến hành hội đàm 2+2 giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng. Những điều này đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý về chính sách của Đức với Nhật Bản so với trước đây, bởi bà Angela Merkel chỉ đến thăm Nhật Bản 3 lần trong suốt 16 năm cầm quyền để hội đàm song phương, trái ngược khi bà tới Trung Quốc gần như mỗi năm cùng các đoàn doanh nghiệp lớn. Với Thủ tướng đương nhiệm Đức, trong khi vẫn ủng hộ củng cố quan hệ kinh tế với Trung Quốc, ông Scholz cũng kêu gọi giới doanh nghiệp nước này đa dạng hóa các quan hệ kinh doanh ở châu Á.
Cùng đi với Thủ tướng Scholz tới Nhật Bản lần này có 6 bộ trưởng, tức chiếm gần một nửa nội các. Kết thúc phiên họp toàn thể, hai bên đã ra tuyên bố chung về cuộc tham vấn, bao gồm 25 điểm. Nếu xem qua các điểm này, hai bên chỉ đưa ra những tuyên bố và cam kết không mấy cụ thể, song nếu xét cả chiều dài quan hệ hai nước thì có thể nhận thấy đây là bước đột phá, không những trong quan hệ giữa Đức và Nhật Bản mà còn là chiến lược lâu dài của Berlin về chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng. Điều này rất phù hợp với định hướng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Chính phủ Đức.
Lý do Đức chọn "An ninh kinh tế " làm chủ đề cho cuộc tham vấn xuất phát từ nhu cầu rất thực tế của Berlin, trong đó Đức cũng muốn học hỏi được điều gì đó từ Nhật Bản - quốc gia đã có đạo luật về thúc đẩy an ninh kinh tế và có riêng một bộ trưởng phụ trách lĩnh vực này. Nhật Bản cũng là nước đi trước về đa dạng hóa nguồn năng lượng, chuỗi cung ứng và thị trường khi chính phủ và khu vực tư nhân (trước hết là các tập đoàn lớn) đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều thập niên để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô cho đất nước. Xuất phát từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, Đức và Nhật Bản muốn rút ra những bài học từ sự phụ thuộc kinh tế vào một số quốc gia đơn lẻ, hợp tác tăng cường chuỗi cung ứng, đẩy mạnh ảnh hưởng trong các lĩnh vực chiến lược, bao gồm tài nguyên khoáng sản, chất bán dẫn, hydro và pin, đồng thời chia sẻ các biện pháp tối ưu để hạn chế rủi ro. Nói cách khác, an ninh kinh tế đang trở là "mẫu số chung" về lợi ích giữa hai quốc gia ở hai châu lục.
Ngoài ra, hợp tác về an ninh mạng và quốc phòng cũng được hai bên thảo luận, trong đó Đức và Nhật Bản sẽ phối hợp về sự hiện diện của quân đội Đức trong khu vực, cũng như xem xét tiến hành tập trận chung. Hai bên cũng nhấn mạnh nhận thức chung về tự do hàng hải, tầm quan trọng của việc duy trì một không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở, bao trùm và dựa trên pháp quyền.
Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra khiến nguồn cung bị đứt gãy, Đức đã phải vất vả để tìm kiếm các nguồn cung thay thế . Đó cũng là động lực khiến Đức nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung, hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn, bền vững và linh hoạt. Cuộc tham vấn ở Tokyo cũng ít nhiều phát đi tín hiệu cho thấy Đức muốn định vị nước này một cách rộng rãi hơn ở châu Á để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và ít "nghiêng" hơn về phía Bắc Kinh so với chính phủ tiền nhiệm.