');this.closest('table').remove();"> |
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Ảnh: baochinhphu.vn |
1. Đặt vấn đề này không mới, nhưng nếu không nhận diện để chấn chỉnh sẽ trở thành căn bệnh thành tích, thiếu trung thực, ảnh hưởng đến đạo đức công vụ. Phổ biến nhất là hiện tượng lấy con số, thành tích chung khi có phối hợp, tham gia nhiệm vụ nào đó để làm kết quả công tác riêng của đơn vị, ngành mình. Dù sự đóng góp thành tích chỉ mức độ hạn chế.
Hằng năm, chúng ta thường thấy bản thành tích hầu hết các cơ quan nghe rất kêu, nhưng thực chất làm được bao nhiêu thì chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Nhiều nơi lấy đó để báo cáo thành tích thi đua, khen thưởng, lãnh đạo xem đó như công trạng của mình, do mình chỉ đạo.
Cùng với hiện tượng tranh công là thói đổ lỗi. Có khuyết điểm, tồn tại mấy đi chăng nữa cũng chỉ là con số nhỏ, do khách quan, cấp dưới làm chưa đạt, rồi rút kinh nghiệm. Thế là xong! Người ta thường trốn trách nhiệm bằng cách khéo léo “chuyền sự vụ” cho hoàn cảnh, vin vào lý do cơ chế, sự phối hợp chưa tốt và những nguyên nhân khác.
Có khi thời tiết thất thường cũng là cái cớ để đổ lỗi vì trời đâu có biết tranh cãi hay thanh minh? Chẳng ai hoàn hảo mà không có nhược điểm, nhưng người ta cố đẩy khuyết điểm cho người khác, cho khách quan để lỡ đâu mà bị kỷ luật, bị truy cứu thì liên lụy phiền phức. Vậy là đổ lỗi, đẩy xa tội là thượng sách. Thường thì tranh công dễ đi liền với đổ lỗi.
Một ví dụ gần đây, khi nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra liên tục thì người ta đổ cho người tham gia giao thông, ý thức của chủ phương tiện kém hay đường sá xuống cấp, hạ tầng chưa đáp ứng… Thế nhưng, khi một loạt hệ thống đăng kiểm trong cả nước bị khởi tố về tội hối lộ để bỏ qua quy định an toàn mới lòi ra có kiểm định cũng như không!
Tham nhũng có tổ chức đã qua mấy đời lãnh đạo, không phải một vài trạm đăng kiểm mà cả một quy trình chặt chẽ, thủ đoạn “kiếm tiền” trắng trợn. Hiện tượng phương tiện giao thông không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn được lưu hành, tai nạn xảy ra thường xuyên do lỗi kỹ thuật đã lý giải được phần nào.
Dư luận đặt câu hỏi vì sao người đứng đầu, cơ quan chủ quản cấp trên không phát hiện ra tiêu cực, cấp phép sai, không kiểm soát, thanh tra? Hằng năm, chắc chắn những cơ quan, cán bộ vừa bị khởi tố vẫn đạt các danh hiệu thi đua, được khen thưởng.
Bởi thực tế, nếu lãnh đạo, cán bộ đăng kiểm không tham nhũng, làm đúng quy trình, người dân “đút lót” không nhận thì đã chẳng có sự việc như đã xảy ra… Không khéo người ta lại đổ lỗi “do cơ chế”! Tâm lý tội phạm thường thấy là chối tội hoặc đổ tội cho đối tượng người khác, nhưng người cán bộ lại cố tình tranh công, thản nhiên đổ lỗi thật đáng trách!
Thường khi có “thành tích” thì báo cáo rất hay, nhưng khi có khuyết điểm lại nói giảm, cắt bớt hoặc bỏ qua. Những việc có lỗi với cấp trên được thanh minh vì lý do khách quan với hàng loạt lý do a,b,c. Biết là như vậy nhưng xem ra việc nhận lỗi khó lắm, nhất là đối với quan chức. Khi sự thăng tiến được quyết định bởi thành tích thì người sẵn sàng đổ lỗi cho người khác để thanh minh cho mình cũng là điều dễ hiểu.
Cách đây gần 70 năm, Bác Hồ đã thay mặt Trung ương Đảng nhận lỗi trước nhân dân vì những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa 11), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ chính trị nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về “một số khuyết điểm lớn” vào thời điểm đó và các nhiệm kỳ trước…
2. Thực tế cho thấy, trong cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có ưu điểm là tạo sự minh bạch, huy động sức mạnh tổng hợp của nhiều ngành, tránh độc quyền. Tuy nhiên, cơ chế này nảy sinh tình trạng tranh công, đổ lỗi, thanh minh, trốn tránh trách nhiệm dẫn đến không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ công tác.
Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã chỉ ra nhiều mặt tồn tại yếu kém; trong đó đặt ra khi thi hành nhiệm vụ cần phải làm thực chất, mang lại hiệu quả trong thực tế.
Nguyên nhân của “tranh công, đổ tội” một phần do khách quan từ căn bệnh thành tích, giấu khuyết điểm và con người là yếu tố chính của tình trạng đó, cần phải được sớm khắc phục, đẩy lùi. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tư tưởng hẹp hòi là nguyên nhân sinh ra “bệnh” tranh công, đổ lỗi, trốn trách nhiệm… Muốn vậy phải thực hiện tốt nguyên tắc: “Rõ quy trình, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”. Bộ Chính trị đã có chủ trương trong Kết luận 14-KL/TW, này 12/9/2021 khuyến khích những cán bộ “dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Cũng có thể hiểu là người dám làm có thể thành công, được khen thưởng, nhưng có thể thất bại, ảnh hưởng đến quyền lợi chính trị, kinh tế. Quan trọng nhất là chấp nhận thực tế, không tranh công nhưng cũng không đổ lỗi. Đó mới là thái độ của người cán bộ chân chính: Sai thì sửa, có lỗi thì nhận và xin lỗi, sửa chữa. Có làm được như vậy mới trở thành nề nếp văn hóa xử sự trong bộ máy công quyền.