Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng: 2017 tiếp tục là một năm thiên tai vô cùng khốc liệt, diễn ra ở hầu khắp các vùng miền trên cả nước.
Mặc dù cả hệ thống chính trị đã khẩn trương và tích cực vào cuộc, song tổn thất về thiên tai vẫn rất lớn với 386 người chết và mất tích, làm đình trệ sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế. Ước tính, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm nay khoảng 60.000 tỷ đồng
Xu thế thiên tai ngày càng thể hiện tính dị thường và trái quy luật ở nhiều loại hình thiên tai như: 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây đổ bộ vào các tỉnh Trung Bộ; mưa lớn trái mùa tại miền Bắc làm Hồ Hòa Bình lần đầu tiên phải xả cấp tập 8 cửa xả đáy trong thời gian chưa đầy 1 ngày.
Ngoài ra, lũ đặc biệt lớn tại các tỉnh Trung Bộ làm mực nước các sông lên cao xấp xỉ mức lịch sử; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh ĐBSCL.
“Đặc biệt 2 trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc để lại những hậu quả rất nặng nề và mất mát vô cùng to lớn về người và tài sản của nhân dân, nhất là ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Yên Bái”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát và đánh giá một cách toàn diện để đề ra những giải pháp căn cơ cho công tác phòng chống thiên tai tại khu vực miền núi. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ NN&PTTN xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp tổng thể về di dời dân cư khẩn cấp, đặc biệt là các nhiệm vụ: Khẩn trương xác định các khu vực có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; lắp đặt các thiết bị dự báo, cảnh báo sớm thiên tai; xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai kết hợp với việc di dân an toàn để góp phần đảm bảo cho cộng đồng an toàn hơn trước thiên tai.