【xh tbn】Một chiều xứ Huế

时间:2025-01-09 13:22:43 来源:88Point
Lăng Tự Đức. Ảnh: K. LONG 

Chiều nay có giấy mời dự tiệc ở Chân Đồi. Lên Chân Đồi là lên một vùng núi non hoa lá, suối chảy thông reo. Từ cõi thiêng đàn Nam Giao theo đường Lê Ngô Cát sẽ ngang qua hai khu mộ Tháp Yết Ma và Cõi Lạc Thiên; qua chốn thiền quang Liên Hoa, Từ An, Bảo Quang, Hòa Quang, đặc biệt là Tổ đình Từ Hiếu bốn mùa như tranh thủy mặc; rồi lên đường Huyền Trân Công Chúa, Lê Nhữ Hài với đồi Vọng Cảnh, lăng vua Tự Đức và rất nhiều khu lăng mộ các ông hoàng, bà chúa ẩn mình trong những khu rừng thông mát rượi, u tịch. Trước khi đến nơi hoa lệ Chân Đồi, sẽ qua Linh sơn Đông Thuyền cổ tự ngước nhìn cõi xưa. Biết thế. Nhưng thôi. Vù lên vùng cầu Lim một vòng trước khi chè chén. Ngang thủy lợi Nam Sông Hương mà ngẫm nghĩ mãi một thời cách đây ngót nửa thế kỷ, người ta làm “thủy lợi” say sưa…

Đi qua khu nghĩa trang mênh mông có đường lên Chín Hầm điểm những vạt thông biếc xanh như những chiếc ô trời che nơi cõi tịnh. Phương Xích Lô nằm một mình bên vệ đường, dựng bia đá khắc bài thơ Thiên thu ca của anh. Nhìn chếch lên chân đồi có mộ cụ Hải Bằng tài hoa, thương thơ tới độ cuối đời vẫn an nhiên yên ủi “Nhìn lại tay mình chỉ có thơ!”. Vọng về phía mộ Xuân Hoàng, mất khi mới tuổi 40 mà văn thì chín như tuổi “tri thiên mệnh” với tập tùy bút “Hồn mai” dày dặn. Mới đó mà đã mười tám năm trời. Mộ anh Thái Ngọc San không to lớn, vẽ vời mà thực sự như tên anh có thêm một chữ G, đẹp như một công viên hiện đại mi ni.

Lại đi. Lăng mộ của vua Hiệp Hòa (1847 - 1883) đây ư? Nhỏ nhoi và cô độc giữa trùng trùng bóng thông, chứ đâu được như “Bốn bề núi phủ mây phong - Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên” của ông vua thi sĩ Tự Đức. Con đường đi vào khấp khễnh gập ghềnh, loằng ngoằng, lèo ngoèo. Lạy Cụ, trên núi Ngũ Phong gần bên giờ đã có chiếc chuông đồng to, đêm ngày gióng tiếng, có lẽ cũng góp phần an ủi cho cuộc đời không được vui, thời thế không được thuận của Cụ. Cụ ở giữa một vùng trời đất cực đẹp. Bác Nguyễn Hữu Đính nghiên cứu về tự nhiên và môi trường, nhiếp ảnh gia tài hoa một thời, đã nhiều lần kêu gọi phải bảo tồn vùng sinh thái cây xanh phía tây thành phố này. Và một Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế có quy mô quốc gia và quốc tế về đào tạo tăng tài đang từng ngày từng giờ nên vóc, nên dạng. Đứng trên góc cao của đền thờ Huyền Trân Công chúa  hay trên tháp chuông núi Ngũ Phong mới thấy nơi đây đẹp như chốn thần tiên.

Thôi lui. Hoàng hôn sắp về. Cần trả lại sự yên tĩnh cho chốn người xưa. Chùa Hồng Ân về chiều tĩnh lặng như một trang cổ thi. Cây hồng giòn trĩu quả, cây khế xanh trùm cả một góc sân. Không xa là quả đồi thấp xanh um bóng thông và keo hoa vàng của chùa Trúc Lâm. Vói qua bờ thành là mấy vạt ruộng nhỏ, có dòng suối chảy qua như bao bọc chốn cửa thiền. Bây chừ bê tông cốt thép, thị thành chen chúc; chứ như thuở xa xưa, phong cảnh nơi đây chắc không khác gì bức tranh trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”.

Nơi đây, cố Ni trưởng trú trì Thích Nữ Viên Minh (1914 - 2014) viên tịch hơn 10 năm nay. Sư nổi tiếng đạo cao - đức trọng, đôi mắt trí tuệ - nụ cười an lạc, trụ thế 101 năm, 70 hạ lạp. Sư viết thơ rằng: “Quê tôi vốn chỗ không nhà/Cha tôi là Phật, mẹ là Pháp không/ Anh em tôi vốn là Tăng/ Thờ cha Duy giác, mẹ đừng buông lung…”. Chính điện chùa vẫn như xưa, nét cổ kính và vóc dáng Huế vẫn còn được lưu giữ; nhìn mà thấy gần gũi như về quê thăm mạ, mừng vui khôn xiết, ăn cái gì mạ cho cũng ngon, uống cái chi mạ cho cũng ngọt.

Trên đường về, dừng lại chùa Hoàng Mai. Tôi dám chắc rằng đó là một trong những ngôi chùa có một nét độc đáo riêng có của xứ Huế. Chùa có tháp mộ của Sư bà Thể Quán (1910 -  1982), tác giả của 7 cuốn sách ngàn trang: Nét đẹp Đông phương, Tiếng than của người vợ trẻ, Tiếng trúc vi vu, Để lại cho vui, Hoàng y lan, Thiên biến vạn hóa, Em mơ người hoang đảo; đã từng dịch Kinh Pháp hoa, Kinh Phạm võng. Vẫn hai hàng hoàng mai trên lối dẫn vào chùa. Nhiều lần vãng xuân tôi đều tự tin rằng chùa ni “sang trọng” nhất nước, với 27 cây hoàng mai được chăm sóc tử tế, có hai hàng hoàng mai như hai hàng “tiêu binh” danh dự đón khách du xuân. 5 Cụ thông già phía trước sân chùa như những vị chân tu đã qua không biết bao nhiêu mùa mưa bão, lặng lẽ giữa đời. Nhưng mà sao, chính điện đã thay, cổng chùa cũng đã đổi. Dường như mang mang dáng dấp chùa Bắc hơn là chùa Huế thực danh mấy trăm năm nay.

Phải về chùa Trúc Lâm thôi. Chiều ở Trúc Lâm, giữa phố thị ngày càng huyên náo, chốn này quả là một tuyệt tác. Lặng lẽ đi giữa chiều hôm, miên man nghĩ về các Ngài cao tăng đã dày công dựng nên tuyệt tác Trúc Lâm như Hòa thượng Thích Giác Tiên (1880 - 1936), Hòa thượng Thích Mật Thể (1912 - 1961), Hòa thượng Thích Mật Nguyện (1911 - 1972), Hòa thượng Thích Mật Hiển (1907 - 1992)… Lòng chợt òa vui khi đọc lại bia mộ hai Ngài Đại lão Hòa thượng Thích Giác Tiên, Hòa thượng Thích Mật Hiển cùng họ, cùng làng Dã Lê Thượng - Thủy Phương. Một chú tiểu đi làm vườn về, mồ hôi mồ kê ướt cả chiếc áo lam mỏng manh bé nhỏ. Hỏi: Chú ở mô? Tới chùa lâu chưa?  Trả lời: Dạ, con ở Bình Dương, tới chùa 2 tháng rồi. Rồi cười, mảnh mai bước vào chùa, như chưa hề biết khát, biết mệt. Đúng là nụ cười vô ưu Phật truyền dạy! Cổ thụ, bóng tre, bóng trúc, con khe nhỏ lặng im như tiếng kinh cầu nguyện giữa chiều hôm đang buông xuống, quả thật, như một cổ thi không tả được nên lời.

Chuông điện thoại nhắc về Chân Đồi. Ua cha, chân dài và váy ngắn, bia và rượu. Cách chưa đầy vài dặm mà đời đã khác xa. Thế, biết làm sao được. Bao nhiêu con người là bấy nhiêu kiểu trụ thế trên đời. Mong sao điều lành. Lòng chợt thầm khấn: “Giữ chút gì rất Huế, nghe em!”.

推荐内容