Tuy nhiên,àyxuânnghelúareotrênlăngMinhMạkèo 88.com vua Minh Mạng nổi tiếng không phải là một nhà thơ, mà là nhà kỹ trị. Cải cách hành chính thời Minh Mạng khiến cho hệ thống cơ quan hành chính từ tỉnh-phủ-huyện-tổng-xã được tổ chức chặt chẽ, gọn nhẹ chưa từng có. Các quan chức trong hệ thống quản lý hành chính chức năng và nhiệm vụ rõ ràng, vai trò cá nhân quan chức được đặc biệt đề cao; do đó đã phát huy tối đa năng lực cá nhân, hạn chế rất nhiều sự tham nhũng và lộng hành của quan lại. Việc thưởng phạt nghiêm minh đã khích lệ những người làm quan tận trung với nước với dân...
Lăng Minh Mạng ngày mồng 3 tết Bính Thân |
Người ta thường nhắc đến không gian thơ ở Khiêm Lăng (lăng Tự Đức), mà quên rằng ở đây cũng có hẳn một trường ca bốn chương: Nhà bia, cửa Hiển Đức, điện Sùng Ân, Minh Lâu. Và trên mỗi kiến trúc đầy chất thơ đó, lại có những bài thơ tuyệt hay. Trong đó, đáng chú ý là những bài thơ về mùa màng nông vụ, mà nhà vua - nhà thơ rất mực quan tâm.
Những cánh đồng mùa màng, những cánh đồng lúa như đã reo lên trên lăng Minh Mạng.
Thơ đề ở mặt trước Điện Sùng Ân:
Nhà vua - nhà thơ Minh Mạng vui mừng khi hiệu quả ban chính sách thuế hợp lý đi vào cuộc sống:
“Địa tác cao phì tỉ/Nhân hưng liêm nhượng khoa/ Lư diêm mưu đoạt thiểu/ Quyến mẫu lực cần đa” (Dịch nghĩa: Đất có lắm màu mỡ phì nhiêu/ con người khá lên nhờ thuế thấp và thu đúng/ Vì thế trong xóm làng ít mưu mô cướp đoạt/ Nơi đồng ruộng mọi người càng đem hết sức ra làm lụng)
Nhà vua – nhà thơ mừng khi nông dân được mùa:
“Thương dĩ doanh thu cốc/Dã tương mậu hạ hòa/ Minh già vô thú thán/ Kích nhưỡng hữu nông ca” (Trong kho đã đầy thóc vụ thu/Ngoài đồng lúa mùa hạ lại tốt/ Kèn thổi không có lời than vì phải đi lính thú/ Người đập đất ca những bài ca về nhà nông)…
Đó chỉ là những điểm xuyết của tư tưởng chính sách khuyến nông dưới thời Minh Mạng. Ngay khi vừa lên ngôi, trong “Chiếu lên ngôi”, vua Minh Mạng tuyên đặc cách xuống ân điển 16 điều, trong đó điều 1 “Những tiền thóc sản vật mà dân còn thiếu từ năm Gia Long thứ 18 trở về trước đều tha miễn cả; điều 2: “Thuế lệ tiền thóc sản vật về nhân dinh điền thổ trong năm Minh Mạng thứ nhất đều rộng miễn cả…”
Nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng cho biết: Theo thư mục đề yếu về di sản Hán Nôm thì ngự chế thi tập của vua Minh Mạng có 73 quyển đóng thành 6 tập tổng cộng khoảng 3.500 bài. Riêng tập có ký hiệu MF.1817 thì dành cho nội dung đối đáp nghề nông.
Trong tập này, hiển hiện rất rõ nỗi lo âu, trăn trở của vị vua ý thức việc mình phải chăm lo cho dân, đặc biệt là nông dân với mùa màng. Từng trang ở đó, không chỉ là trí tuệ mà còn là tấm lòng đau đáu, hiếm gặp trong lịch sử kỹ trị, kể từ thời Lê Thánh Tông trở về sau.
Dưới đây xin trích dịch nghĩa một số bài thơ trong tập, dẫn theo “Chính sách khuyến nông dưới thời Minh Mạng” của Mai Khắc Ứng.
Một vị vua đi thuyền trên sông Hương vẫn đau đáu chuyện nhà nông và lấy dân làm gốc:
“Lúa tăng trưởng nhờ những trận mưa liên tiếp/ Vụ mùa xong hy vọng được cả thóc lẫn nếp/ Lương thực cùng dân là gốc của nước đều phải chú trọng trước hết”…
Một vị vua có thể vui mừng vì giá lúa ngoài chợ: “Lúc mùa cũ đã hết, vụ lúa sau chưa thu hoạch giá lúa thường cao/ rất mừng vì giá lúa năm nay lại bình thường/ Chỉ vì các châu quận vụ trước rất được mùa/ Lại thêm các vùng phụ cận kinh kỳ cũng thu hoạch dồi dào/ Tuy vui nhưng cần phải đừng cậy nhờ vận chuyển từ miền Nam/ Chỉ hận không có cách gì để cứu giúp miền Bắc”.
Năm miền Trung được mùa, vua vui mừng làm thơ:
“…Nơi nơi quần áo đủ/ Nhà nhà miếng ăn dư/ Trời lạnh giá gạo thôn quê rẻ/ Mùa đông chợ búa đầy cá/ Lúa như mây vàng khắp cánh đồng/ Nhưng mây vàng không sánh được với lúa”
Năm Thừa Thiên được mùa, nhà vua rất đỗi vui mừng:
“Trong mỗi bữa ăn ta nào quên việc nhà nông/ Hôm nay trong lòng ta mới được yên”…
Chúng tôi nói chuyện về vua Minh Mạng và những cánh đồng mùa màng rất hào hứng trong làn gió nhẹ ven hồ.
Nghe chuyện, Planchet nói: “Ngẫm từ câu thơ “mây vàng không sánh được với lúa”; nếu vị vua có thể ngửi thấy được mùi mồ hôi trong bát cơm mình ăn, thì đó chính là vị minh quân”.
Planchet nói đúng. Người ta hay nhắc đến tư tưởng thiền và lão ở Minh Lâu, nhưng trong thẳm sâu, tôi nhận ra vị vua ấy không coi nhàn là quan điểm sống của mình. Tư tưởng lo cho dân của ông mới là chủ đạo.
Làm thơ nhiều nhưng vua Minh Mạng không coi mình là nhà thơ: “Thơ ta làm ra là để làm vui khi rỗi việc đó thôi...”. Ông cũng nói: “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy cái ăn là Trời. Tuy có cảnh tình, mây lành, chim phụng kỳ tập, kỳ lân ra đời, chẳng bằng được mùa là điềm lành trên hết!”.
Trong một bài thơ có tên “Vạn phương ninh mật” (Muôn phương yên ổn), ông viết:
Một người nhận mệnh trời để trị thiên hạ,
Thiên hạ vốn chẳng phải đem ra để cung phụng cho một người.
Cơm muộn thức khuya lo việc nước,
Sớm triều kính cẩn giữ gìn thân.
Ắt vì mong mỏi muôn dân yên ổn cày cấy,
Thề nguyện nghìn phương tránh được đắng cay.
Chẳng dám không gắng suy nghĩ để cố làm.
Vui mừng mong trời phù hộ để nuôi muôn dân.
Bài thơ trên là tấm lòng của vua Minh Mạng đối với Nhân dân, mong cho muôn nơi được yên ổn, tránh được đói khổ, cực nhọc. Đó chính là hết lòng làm việc quên ăn quên ngủ, tránh cho mình buông thả.
Xưa, các vua chăm lo cho dân thì đều là lúc đất nước âu ca thái bình thịnh trị.
HẠ NGUYÊN