Chủ động triển khai
Ông Trần Quân - Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết, để bảo đảm triển khai đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, với trọng trách là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối, Văn phòng Bộ Tài chính đã chủ động triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của việc chuyển hình thức báo cáo bằng giấy sang báo cáo điện tử. Bên cạnh đó, chủ động triển khai thực hiện Nghị định 09/2019/NĐ-CP (Nghị định 09), đơn vị đã tham mưu trình Bộ ban hành danh mục chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính ban hành tại Quyết định số 1898/QĐ- BTC.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (lần 1) về dự thảo thông tư hướng dẫn đầy đủ các thành phần của chế độ báo cáo định kỳ thuộc cơ quan, lĩnh vực quản lý.
Văn phòng Bộ Tài chính cũng đã chủ động tổ chức các cuộc họp dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Tài chính, nhằm xác định số lượng báo cáo để phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Tại các cuộc họp này, các đơn vị cùng nhau rà soát, đối chiếu lại những báo cáo theo Nghị định 09 nhưng chưa chuẩn hóa theo Nghị định 09, qua đó lên phương án sửa đổi để chuẩn hóa, đảm bảo phù hợp theo yêu cầu của nghị định này. Đối với những báo cáo không cần thiết thì Văn phòng Bộ Tài chính tham mưu, trình lãnh đạo Bộ Tài chính bãi bỏ, thay đổi đảm bảo phù hợp với tình hình quản lý.
Trong quá trình cùng các đơn vị rà soát, Văn phòng Bộ Tài chính cũng đã tham mưu, tư vấn cho các đơn vị cách thức triển khai, xây dựng lộ trình thực hiện, từng bước điện tử hóa chế độ báo cáo, đảm bảo yêu cầu thông tin về quản lý, đồng thời giảm bớt chi phí thu thập, phân tích báo cáo, ông Trần Quân cho biết.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, việc chuyển từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử, bằng các con số nguyên tố sẽ giúp cho việc phân tích, đánh giá nhiều chiều hơn, nhanh hơn. Ngược lại, khi có chuẩn báo cáo thì có thể xây dựng được hệ thống cơ sở dự liệu các báo cáo phục vụ cho công tác điều hành chung của Bộ Tài chính, không chỉ cho riêng một đơn vị nào.
Đơn cử khi có được hệ thống báo cáo chung thì trong cuộc họp điều hành của Bộ Tài chính, lãnh đạo Bộ Tài chính, các lãnh đạo đơn vị được phân quyền xem báo cáo chung sẽ có thể có những nhận định, đánh giá tốt hơn, từ đó đưa ra quyết định điều hành được chính xác hơn.
Đề cập tới triển khai hệ thống thông tin báo cáo trên môi trường điện tử, ông Nguyễn Việt Hà – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính cho biết, hiện tại, Bộ Tài chính đang triển khai thử nghiệm hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính (là 1 hợp phần thử nghiệm trong hệ thống Trung tâm chỉ đạo điều hành – IOC của Bộ Tài chính). Đây là hệ thống tổng hợp toàn bộ thông tin các hệ thống thành phần của Bộ Tài chính như Kho dữ liệu ngân sách nhà nước, hệ thống quản lý văn bản điều hành, phần mềm quản lý đăng ký tài sản nhà nước, hệ thống công nghệ thông tin của các Tổng cục thuộc Bộ Tài chính ...), hệ thống này sẽ được lựa chọn làm hệ thống kết nối đến Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Theo khảo sát của Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính của VPCP, tập đoàn VNPT tiến hành kết nối, chia sẻ dữ liệu thử nghiệm báo cáo liên quan tài sản công.
Thuận lợi xen lẫn khó khăn
Theo Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, tiến trình triển khai hệ thống thông tin báo cáo sẽ đảm bảo đúng tiến độ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai thì Bộ Tài chính cũng gặp không ít khó khăn.
Điểm thuận lợi là Bộ Tài được giao nhiệm vụ quản lý về tài chính nên các con số, số liệu báo cáo sẽ đồng dạng, dễ phân tích, mang tính định lượng hơn định tính. Trong khi đó báo cáo một số bộ, ngành có con số, số liệu nặng về định tính, do vậy rất khó phân tích.
Điểm thuận lợi tiếp theo là mặc dù hạ tầng công nghệ thông tin chưa có bài toán cụ thể, tuy nhiên mức độ sẵn sàng cao, bởi đã có một nền tảng về cơ sở dữ liệu (CSDL), bao gồm CSDL thu chi ngân sách nhà nước (Kho dữ liệu NSNN) đã hoàn thành và đưa vào vận hành với phạm vi kết nối, chia sẻ và cấp quyền khai thác sử dụng cho các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, 63 sở tài chính, 714 phòng tài chính - kế hoạch quận, huyện và các bộ ngành; hay CSDL danh mục dùng chung, CSDL chuyên ngành quản lý thuế, quản lý kho bạc, quản lý hải quan, quản lý giá, quản lý tài sản công,…
Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Quân, Bộ Tài chính là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, số lượng báo cáo nhiều, đối tượng làm nhiệm vụ báo cáo trải dài từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành sẽ mất nhiều thời gian. Chỉ tiêu mang tính chung, nhưng để tổng hợp được ra số chung thì phải phân tích rất cụ thể từ các báo cáo của đơn vị thành phần. Bên cạnh đó, việc sửa đổi bổ sung các thông tư quy định mẫu biểu, báo cáo của Bộ Tài chính gặp nhiều khó khăn do số lượng báo cáo trong các thông tư lớn. Do vậy, khi triển khai một cách đồng bộ hóa thì Văn phòng Bộ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính xác định chuẩn hóa khung báo cáo, từ đó xây dựng cách thức triển khai tới các đơn vị theo hướng dễ làm, dễ thực hiện, hướng tới mục đích của mình.
Trong quý II/2020, Bộ Tài chính sẽ phải hoàn thành việc xây dựng, vận hành hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, địa phương kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, đảm bảo đến hết năm 2020 ít nhất 30% chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý được triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, địa phương. |
Đức Minh