Thấy lượng cá dạt từ các vựa thu mua, trong các vuông tôm quá nhiều, giá rẻ, chị Phan Thị Chuyển (ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) mua gom về làm mắm. Chị Chuyển làm mắm đã 5 năm nay, mỗi tháng chị giao gần 1 tấn mắm cá sơn, cá đối... cho các huyện, TP Cà Mau.
Thấy lượng cá dạt từ các vựa thu mua, trong các vuông tôm quá nhiều, giá rẻ, chị Phan Thị Chuyển (ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) mua gom về làm mắm. Chị Chuyển làm mắm đã 5 năm nay, mỗi tháng chị giao gần 1 tấn mắm cá sơn, cá đối... cho các huyện, TP Cà Mau.
Cũng từ nghề làm mắm, chị Chuyển đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho gần 10 chị em phụ nữ địa phương với thu nhập từ 150.000-200.000 đồng/người/ngày. Cứ 2 kg cá tươi chị làm ra 1 kg cá mắm. Mỗi ký cá mắm chị Chuyển bán ra thị trường giá từ 55.000-60.000 đồng. Chị Chuyển luôn quan tâm đến vệ sinh và luôn giữ được hương vị thơm ngon của cá mắm, vì vậy mà mắm của cơ sở chị ngày càng có tiếng, được khách hàng ưa chuộng.
Chị Phan Thị Chuyển kiểm tra mắm chuẩn bị giao hàng cho khách hàng. |
Ðể có được con mắm ngon thì các công đoạn làm cá cũng rất gian nan. Bởi sau khi thu mua nguyên liệu cá đem về, chị phải mướn nhân công cắt đầu, vây, kỳ, đánh vẩy, rửa sạch để ráo nước. Sau công đoạn này chị Chuyển mới đem muối và cho thêm ít gia vị, rượu, đường… rồi cho vào khạp ủ khoảng một tháng rưỡi. Sau đó, chị Chuyển mới vớt cá ra để khô rồi cho thính vào đậy kín và ủ tiếp khoảng 2 tháng mới đem đi bán.
Những công đoạn này trước đây chị Chuyển thực hiện bằng thủ công, mỗi ngày phải thuê gần 10 lao động, phải làm liên tục từ sáng sớm cho đến chiều mới hoàn thành. Còn công đoạn rang thính, xay thính, chị Chuyển phải thức dậy từ 5 giờ sáng rang cho tới trưa và xay thính cho đến tối mịt mới xong.
Thấy vợ cực khổ với nghề làm cá mắm, nhất là công đoạn xay thính, từ đó anh Trần Quốc Khởi, chồng chị, tìm hiểu và chế tạo ra máy xay thính. Ban đầu anh mua máy hàn, máy cắt sắt, mô-tơ và các dụng cụ chế tạo cả chục triệu đồng… nhưng kết quả máy đưa vào vận hành không được và anh gặp thất bại, bởi anh chưa có kinh nghiệm. Thế rồi anh mới dựa trên nguyên lý hoạt động của chiếc máy xay bột, mua tiếp dụng cụ và nghiên cứu chế tạo dàn chà và ống dẫn thính. Lần này anh thành công, nhưng chưa đạt được theo ý muốn.
Không chịu bỏ cuộc, nhiều đêm suy nghĩ, anh nghiên cứu chế tạo thêm dụng cụ tăng đưa để điều chỉnh kích thước thính to, nhỏ theo ý mình. Kết quả anh đã mày mò thành công và máy xay thính sử dụng gần 1 năm nay, vợ anh không còn cực như trước nữa.
Thành công bước đầu đã tạo đà cho anh Khởi tiếp tục nghiên cứu và mua các thiết bị mô-tơ, 1 cái xoong… mài mò gần 3 tháng, anh Khởi mới chế tạo thành công máy rang thính. Từ những thành công đó, anh quyết định chế tạo thêm máy đánh vẩy cá… Do tính mày mò sáng tạo, ý chí quyết tâm, thất bại không nản nên các sản phẩm được anh làm ra đã hỗ trợ đắc lực cho chị Chuyển trong khâu làm cá mắm. Từ đó lượng mắm cũng đảm bảo cung ứng quanh năm cho các thị trường trong và ngoài huyện.
Sau khi có được máy đánh vẩy cá, máy rang thính và máy xay thính thì năng suất làm mắm tăng lên gấp đôi. “Trước đây chưa có máy, 1 tháng tôi và mấy chị em ở đây làm nỗ lực hết mình cũng tầm từ 400-500 kg mắm bán ra thị trường, nhưng giờ đã có dụng cụ hỗ trợ thì năng suất làm mắm mỗi tháng 1 tấn”, chị Phan Thị Chuyển cho biết.
Hàng xóm thấy vậy đặt cho anh Khởi biệt danh là “Ba Chế”. “Ðặc biệt, trong xóm hễ có máy móc gì hư hỏng, chủ gấp quá không đem ra thợ được thì họ cũng tìm đến anh “Ba Chế” để cầu cứu. Dù không học sửa chữa máy ngày nào mà chỉ nghiên cứu máy móc ở nhà nhưng anh Khởi lại có khả năng sửa chữa được các loại máy nổ”, ông Trần Minh Út, người cùng xóm cho biết.
Cũng từ nghề làm mắm mà vợ chồng “Ba Chế” đã có cơ ngơi vững chắc, anh xây cất nhà cửa khang trang, công việc kinh doanh ổn định. Hiện vợ anh hằng ngày phụ trách cung cấp cá mắm cho các cơ sở thu mua, thu nhập bình quân mỗi ngày trên 2 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện anh Khởi cũng tất bật công việc kinh doanh buôn bán các mặt hàng bia, nước giải khát, gạo, cám… thu nhập cũng ổn định. “Ðặc biệt, vợ chồng anh luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo và cũng là một trong những tấm gương của xã tiên phong, đi đầu trong học tập và làm theo gương Bác”, bà Nguyễn Hồng Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Ân Tây, chia sẻ./.
Bài và ảnh: Minh Văn