发布时间:2025-01-10 19:06:18 来源:88Point 作者:La liga
Lợi nhuận thấp hơn lãi suất tiết kiệm
Vàng Phú Quý ghi nhận lợi nhuận bấp bênh, tỷ suất lợi nhuận/vốn thấp hơn lãi suất tiết kiệm, từ đó chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp so với quy mô doanh thu và vốn chủ sở hữu. Công ty CP Đầu tư vàng bạc Phú Quý, doanh thu năm 2023 giảm 26% so với năm 2022, từ 3.057 tỷ đồng xuống còn 2.272 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của Vàng bạc Phú Quý giảm sâu 74% và 75% lần lượt là 12,6 tỷ đồng và 9,2 tỷ đồng.
Tại bảng cân đối kế toán, các khoản phải thu ngắn hạn và các khoản phải thu dài hạn tăng đột biến so với số liệu đầu năm 2023 lần lượt là từ 2,5 tỷ đồng lên 137 tỷ đồng và từ 1,4 tỷ đồng lên 88,8 tỷ đồng.
Về nợ phải trả, nợ ngắn hạn của Vàng bạc Phú Quý giảm nhẹ 3,8% còn gần 65 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng mạnh so với số đầu năm từ 507 triệu đồng, lên 28,5 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn phát sinh 30 tỷ đồng vào cuối năm 2023.
Tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vàng bạc Phú Quý tăng nhẹ so với số đầu năm từ 635 tỷ đồng lên 642 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền cuối kỳ năm 2023 là 94,4 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022.Năm 2021 và 2022, lợi nhuận sau thuế của Vàng Phú Quý đạt 23,7 tỷ đồng và 36,8 tỷ đồng.
Còn trước đó, trong năm 2017, khi doanh thu lên tới 3.672 tỷ đồng, Vàng Phú Quý thua lỗ 6,2 tỷ đồng. Sau đó, công ty lãi 270 triệu đồng (năm 2018), 1,6 tỷ đồng (năm 2019).
Năm 2020 là năm doanh thu Vàng Phú Quý tăng cao bất thường lên 19.182 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu về chỉ đạt 37,6 tỷ đồng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu chỉ là 0,2%.
Hiệu quả sử dụng vốn của Vàng Phú Quý rất thấp. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu giai đoạn 2018-2023 lần lượt là 0,1% (năm 2018), 0,63% (năm 2019), 12,9% (năm 2020), 4,67% (năm 2021), 6,58% (năm 2022) và 1,59% (năm 2023).
Có thể thấy, ngoại trừ năm 2020, các năm còn lại, lợi nhuận của Vàng Phú Quý thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tiết kiệm. Đặc biệt, trong năm 2023, khi lãi suất huy động dao động phổ biến từ 7% đến 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng thì tỷ suất lợi nhuận của công ty này chỉ là 1,59%.
Kết quả là chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp của Vàng Phú Quý rất khiêm tốn. Gần đây nhất, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 và 2022 chỉ là 3,4 tỷ đồng và 11,4 tỷ đồng.
Dù nộp thuế khiêm tốn nhưng tại thời điểm 31/12/2023, công ty vẫn còn nợ thuế khi chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là 3,3 tỷ đồng. Con số này cuối năm 2022 còn lớn hơn khi đạt 10,4 tỷ đồng.
Cựu chủ tịch HĐQT đã bị khởi tố vì “trốn thuế”
Công ty Cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý thành lập ngày 17/1/2008 tại số 30 Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội với người đại diện pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc là ông Lê Xuân Tùng.
Tại ngày 5/9/2017, vốn điều lệ công ty là 250 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: Ông Lê Xuân Tùng (sở hữu 80% vốn, tương đương 200 tỷ đồng), Công ty TNHH Vàng bạc – Đá quý Phú Quý (sở hữu 12% vốn, tương đương 30 tỷ đồng). Bà Lê Thị Bích Diệp và Phạm Hải Âu đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình.
Từ năm 2017 đến năm 2019, trước đại dịch Covid-19, doanh thu Vàng Phú Quý khá ổn định, biến động không quá lớn, lần lượt đạt 3.672 tỷ đồng, 4.068 tỷ đồng, 3.805 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước sang 2020, năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, Vàng Phú Quý ghi nhận doanh thu cao bất thường, tăng 15.377 tỷ đồng, tương đương 404% lên 19.182 tỷ đồng. Thế nhưng, tới năm 2021, doanh thu lại bất ngờ “lao dốc” khi giảm 17.358 tỷ đồng, tương đương 90,5% xuống chỉ còn 1.824 tỷ đồng.
Sau đó, doanh thu tiếp tục thăng trầm khi đạt 3.057 tỷ đồng (năm 2022) và giảm xuống chỉ còn 2.272 tỷ đồng. Như vậy, trong vài năm gần đây, doanh thu năm 2023 của Vàng Phú Quý chỉ cao hơn năm 2021.
Đáng nói, Vàng Phú Quý từng được dư luận đặc biệt quan tâm khi Chủ tịch HĐQT Lê Xuân Tùng đã bị khởi tố vì “trốn thuế”. Theo đó, tháng 6/2023, trung tướng Tô n Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "buôn lậu" và "trốn thuế" xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị); Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý và các đơn vị liên quan.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định từ năm 2022 đến giữa năm 2023, bà Nguyễn Thị Hóa cùng đồng phạm đã tổ chức đường dây buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo để bán cho các cửa hàng vàng trong nước nhằm thu lời bất chính.
Công ty Vàng Phú Quý đã kê khai và báo cáo quyết toán thuế năm 2021 không trung thực, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 143 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 về các hành vi trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 6 tỷ đồng.
Căn cứ tài liệu điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bà Nguyễn Thị Hóa và 17 người khác về tội "buôn lậu", quy định tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự. Khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với ông Lê Xuân Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng Phú Quý về tội "trốn thuế", quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự.