游客发表
发帖时间:2025-01-25 11:30:19
Doanh nghiệp xoay xở trong vòng xoáy đại dịch Covid-19 |
Chuồng trạng nhiều gà đã đến lứa mà không tiêu thụ được. Ảnh: Trại gà cung cấp |
Ăn không ngon, ngủ không yên
Hơn 1 tháng nay, 80 xã viên của HTX Nông nghiệp Ba Đình (tỉnh Bạc Liêu) luôn ở trong tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” khi đầu ra của mặt hàng tôm càng xanh liên tục sụt giảm, thậm chí ách tắc luôn kể từ khi các chợ đầu mối tại TPHCM đóng cửa từ đầu tháng 7. Ông Nông Văn Thạch, Giám đốc HTX cho biết, trước đây các thương lái từ TPHCM tới tận nơi thu mua, nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại TPHCM, lượng tiêu thụ giảm dần và hoàn toàn đóng băng kể từ sau khi TPHCM và các tỉnh ĐBSCL thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Hiện 150 hecta nuôi tôm càng xanh của các xã viên đều đã tới kỳ thu hoạch, thậm chí quá lứa, đặc kín các ao nuôi. “Trời nắng nóng như hiện nay, cộng với mật độ tôm quá dày có thể sẽ dẫn tới thiếu oxy, làm tôm bị chết ngạt hàng loạt” – ông Thạch buồn bã.
Hiện HTX Ba Đình đang đứng ra thu mua tôm cho xã viên, nhưng việc tìm đầu ra cũng rất khó khăn do việc vận chuyển phức tạp và tốn kém chi phí, trong khi khả năng của HTX thì có hạn. “Chúng tôi đã hợp tác với Viettel Post để tổ chức giao hàng, nhưng phương án vận chuyển quá chậm, trong khi mặt hàng tôm tươi sống để lâu sẽ ảnh hưởng tới chất lượng. Việc giao hàng chậm trễ còn khiến nhiều khách hàng hủy đơn hàng” – ông Thạch nói.
Theo ông Thạch, năng lực cung ứng của HTX là 3-5 tấn/ngày, nhưng hiện chỉ tiêu thụ nhỏ giọt được khoảng 300-400kg/ngày. Do đó, ông Thạch mong muốn ngành nông nghiệp có phương án tổ chức đội xe “đi nhanh về nhanh” để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các xã viên nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng. HTX cũng đang thử nghiệm phương án làm tôm đông lạnh để thuận tiện hơn trong việc bảo quản, tiêu thụ. Song để phương án này có thể đi vào vận hành thì cần có vốn đầu tư lớn và chưa thể triển khai ngay lập tức, trong khi việc tiêu thụ tôm hiện đang rất cấp bách.
Cùng chung nỗi khổ như con tôm ở HTX Ba Đình, những người nuôi gà công nghiệp tại nhiều địa phương cũng đang phải ngậm đắng nuốt cay khi giá gà rớt thảm chỉ còn 7.000 – 8.000 đồng/kg, lỗ khoảng 20.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua. Mỗi ngày, hàng trăm con gà tại trại gà của ông Lê Phương Hải (tỉnh Đồng Nai) bị chết do lượng gà quá lứa lấp đầy các chuồng nuôi, gà chen chúc nhau không tới được máng chứa thức ăn, nước uống, trong khi thời tiết nắng nóng gay gắt. Nhân viên các trại nuôi phải đi nhặt gà chết đem thiêu để tránh xảy ra dịch bệnh. Hiện trại gà của gia đình ông Hải còn tồn đọng 170.000 con nhưng không thể bán được.
Không chỉ các vùng chăn nuôi thương phẩm, các cơ sở sản xuất con giống cũng rơi vào cảnh ách tắc đầu ra nghiêm trọng. Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Tây Ninh cho biết, hàng triệu con gà giống tại Tây Ninh đã bị người nuôi đốt bỏ do không có đầu ra. Đây chính là báo động về việc đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp khi trong tương lai nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt con giống.
Câu chuyện con tôm ở HTX Ba Đình, hay con gà tại trang trại của ông Lê Phương Hải và nhiều trại gà ở Tây Ninh chỉ là vài ví dụ trong hàng trăm câu chuyện buồn của ngành chăn nuôi, trồng trọt của các tỉnh phía Nam những ngày này. Vụ thu hoạch lúa Hè Thu tại các tỉnh ĐBSCL đang chứng kiến không ít cảnh nông dân “chết đứng” do không có người mua. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, những nông dân có ký hợp đồng bao tiêu với DN thì không quá khó khăn, nhưng với những hộ chưa có hợp đồng, việc bán lúa vô cùng khó khăn. Các trang trại trái cây, rau củ cũng không ngoại lệ…
Việc hàng loạt nhà máy, trường học, nhà hàng đóng cửa do dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đầu ra của các mặt hàng nông sản. Cùng với đó là những khó khăn trong khâu vận chuyển, lưu thông trong thời gian qua. Ông Dương Tất Thắng, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nhiều lò mổ đã phải ngừng hoạt động hoặc giảm công suất do có ca nhiễm Covid-19 hoặc không triển khai được phương án “3 tại chỗ” cũng ảnh hưởng lớn tới đầu ra của các sản phẩm chăn nuôi. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương đã liệt kê hàng loạt nông sản đang cần tìm đầu ra với sản lượng rất lớn.
Kết nối tiêu thụ để bảo vệ sản xuất
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nguồn cung các mặt hàng gạo, trái cây, rau củ tại các tỉnh phía Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong tháng 8 và tháng 9, gây áp lực lớn cho khâu thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ. Cụ thể, trong tháng 8 sản lượng quy gạo được thu hoạch tại đây sẽ đạt trên 2 triệu tấn, trong đó có 1,12 triệu tấn gạo hàng hóa; tháng 9 tiếp tục có trên 2,5 triệu tấn gạo, bao gồm 1,6 triệu tấn gạo hàng hóa. Tháng 8 và tháng 9 cũng là cao điểm thu hoạch của hàng loạt trái cây như xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi, cam, nhãn, mít… với sản lượng mỗi loại từ vài chục tới hàng trăm tấn mỗi tháng. Sản lượng rau củ quả dự báo cũng lên tới khoảng 2 triệu tấn trong tháng 8 và tháng 9.
Để tìm đầu ra cho các đơn vị sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống kê danh sách 537 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm để kết nối với các đơn vị phân phối, tiêu thụ. Tổ công tác 970 cũng ra mắt trang thông tin http://htx.cooplink.com.vn để đăng ký kết nối cung cầu nông sản và hàng hóa các tỉnh phía Nam. Ngành nông nghiệp tại từng địa phương cũng đã thiết lập đường dây nóng để tháo gỡ các vướng mắc 24/24.
Qua công tác kết nối của Tổ công tác 970, nhiều hợp tác xã, trại chăn nuôi đã tìm được đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ. Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Tổ công tác 970 đã có văn bản gửi lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phía Nam đề nghị giao quyền chủ động cho các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn để lập danh sách các công nhân lao động tại các nhà máy chế biến nông sản, nông dân tham gia thu hoạch trên đồng ruộng… để được tạo điều kiện vừa sản xuất vừa chống dịch. Qua đó giúp cho việc thu hoạch nông sản tại các địa phương không bị gián đoạn, các cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến, đóng gói được duy trì sản xuất.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp nhấn mạnh việc cấp bách giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông sản để vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân các địa phương, vừa bảo vệ người sản xuất. Bởi nếu tình trạng ách tắc kéo dài sẽ ảnh hưởng tới việc tổ chức sản xuất trong thời gian tới, gây đứt gãy nguồn cung và đe dọa an ninh lương thực trong tương lai.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接