Tiếp tục phiên họp thứ 53, sáng 23/2 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ. Theo báo cáo , Chính phủ nhiệm kỳ này đã tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo tinh thần kiến tạo, phục vụ, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Mỗi năm hơn 1.000 cuộc họp Trình bày báo cáo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. 5 năm qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hơn 5.000 cuộc họp, làm việc với các bộ, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học... để tham vấn, hoạch định chính sách, pháp luật và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, bất cập, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, báo cáo khái quát. Về kết quả cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đổi mới tư duy xây dựng chính sách, pháp luật từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển. Với quyết tâm kiên quyết gỡ bỏ những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng, gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chính phủ đã tập trung rà soát, xác định các “điểm nghẽn” thể chế, tập trung tháo gỡ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn, kìm hãm sự phát triển, khơi thông các nguồn lực, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phát triển các ngành, lĩnh vực. Chính phủ đã đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện các Luật liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh và triển khai các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết , nhiều văn bản đã được Quốc hội thông qua, đáp ứng yêu cầu phát triển; đồng thời chủ động rà soát, sửa đổi, ban hành theo thẩm quyền một số văn bản tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 như: đất đai, xây dựng, chăn nuôi, phát triển rừng... Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác, ban hành, triển khai nghiêm túc Kế hoạch rà soát toàn diện hệ thống văn bản pháp luật. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã thể hiện rõ thứ tự ưu tiên đối với một số lĩnh vực trọng tâm, có ý nghĩa then chốt để tập trung nguồn lực thực hiện. Việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đôn đốc, giảm dần tình trạng xin rút, lùi các dự ánluật trong Chương trình . Trong nhiệm kỳ, Chính phủ ưu tiên, dành thời gian cho việc xem xét, thảo luận, cho ý kiến về các đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm và nhất là những vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau tại 7 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật và các phiên họp Chính phủ thường kỳ; đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 4 đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, 107 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết được Chính phủ đánh giá là có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều văn bản được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Chính phủ đã ban hành 752 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 234 quyết định quy phạm pháp luật; số văn bản quy định chi tiết trong giai đoạn 2016 - 2020 có thời điểm không nợ văn bản nào, đến ngày 31/12/2020 chỉ còn 06 văn bản chậm ban hành, mức thấp nhất từ trước đến nay . Người dân và doanh nghiệpvẫn gặp khó Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, liên quan đến hoạch định chính sách, xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội chỉ ra không ít hạn chế. Đó là, việc đề xuất xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý trong một số lĩnh vực còn có bất cập, chưa kịp thời. Việc chuẩn bị một số dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đáp ứng tiến độ, chất lượng, phải lùi thời gian hoặc chưa tạo được sự đồng thuận, ủng hộ cao. Như, Luật Máu và tế bào gốc; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Luật Dân số; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Theo cơ quan thẩm tra thì tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để. Ví dụ, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, tuy nhiên, đến ngày 31/12/2020, Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2020. Do đó, để bảo đảm thực hiện Luật Đầu tư năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành văn bản số 8909/BKHĐT-PC ngày 31/12/2020, trong đó, hướng dẫn thực hiện và quy định một số nội dung như: hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư; thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; ban hành các mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư… Vẫn nằm trong các hạn chế, Ủy ban Pháp luật nhận xét, nội dung chuyển tiếp trong một số văn bản chưa được quy định chặt chẽ, gây khó khăn cho cả cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp khi thực thi pháp luật; một số chính sách được đề xuất khi triển khai thực hiện còn gặp vướng mắc, trong đó, có những vướng mắc xuất phát từ chính việc chậm trễ trong tổ chức thực hiện. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung đánh giá, rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp. Tham gia thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần đánh giá thêm tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết đã được chỉ ra trong nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để trong nhiệm kỳ này. Đồng thời cần xem lại nhận định đã giảm dần tình trạng xin rút, lùi các dự án luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vì số lượng văn bản xin điều chỉnh trong nhiệm kỳ này giảm về số lượng nhưng tăng về tỷ lệ so với tổng số văn bản trình Quốc hội (từ 17,71% trong nhiệm kỳ 2011 - 2015 lên 19,49% trong nhiệm kỳ 2016-2021). |