Tự chủ giúp tăng thu nhập
Chị Trần Thị Phương hiện đang công tác tại Bảo tàng Hà Nội - cơ quan do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Sau 8 năm làm việc, hiện mức lương của chị là 3 triệu đồng/tháng, cộng với khoản thu nhập tăng thêm và các khoản phụ cấp, tổng cộng thu nhập của chị khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Chị Phương chia sẻ, với mức lương như vậy không thể đủ để gia đình trang trải cuộc sống hàng ngày, đặc biệt trong hoàn cảnh hai vợ chồng đang có con nhỏ và thuê nhà. Vì vậy, ngoài giờ làm việc hành chính, chị nhận làm gia sư buổi tối để kiếm thêm thu nhập.
Cách đây 5 năm, những thầy cô giáo giảng dạy tại Đại học Kinh tế quốc dân cũng có hoàn cảnh tương tự chị Phương. Ngoài giờ dạy ở trường, họ tranh thủ đi dạy tại các trung tâm, các trường đại học khác để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, từ năm 2015, sau khi nhà trường thực hiện cơ chế tự chủ, mức lương của các thầy cô đã được nâng lên đáng kể.
Thầy Dương Công Doanh, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh chia sẻ: “Từ khi nhà trường thực hiện tự chủ, chính sách đãi ngộ đã tốt hơn. Ví dụ như tiền lương cơ bản vẫn tăng theo quy định của Nhà nước, nhưng thu nhập từ các khoản phụ cấp đã tăng lên, thưởng Tết, nghỉ hè cũng được tăng thêm rõ rệt. Bên cạnh đó, chính sách về nghiên cứu khoa học cũng cao hơn. Mỗi bài báo công bố quốc tế được nhà trường công khai hỗ trợ 20 triệu đồng. Tương tự, đề tài khoa học cấp cơ sở cũng được tăng kinh phí. Đây chính là động lực giúp chúng tôi yên tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học”.
Thầy Nguyễn Ngọc Đạt, giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương cho biết, từ khi nhà trường thực hiện cơ chế tự chủ, các khoản lương, thưởng đã được cải thiện tốt hơn trước rất nhiều. Giảng viên đã nhận được các chính sách hỗ trợ vô cùng thiết thực như hỗ trợ đào tạo sau đại học, hỗ trợ 100% học phí và thưởng cho viên chức bảo vệ thành công, đúng hạn luận án tiến sĩ.
Cơ chế tự chủ rõ ràng đã mang lại lợi ích lớn cho người lao động (NLĐ). Theo số liệu của Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, nhờ tăng cường khai thác nguồn thu, tiết kiệm chi và thực hiện chế độ tự chủ, thu nhập và đời sống của NLĐ trong các ĐVSNCL đã từng bước được nâng lên. Trong đó, thu nhập tăng thêm của cán bộ, viên chức bình quân khoảng từ 0,5 đến 1,5 lần tiền lương cấp bậc của đơn vị. Riêng một số ĐVSNCL trong lĩnh vực giáo dục đại học tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động đã thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho NLĐ khoảng 2 - 3 lần, như Đại học quốc tế – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh….
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều đơn vị thực hiện tự chủ, việc chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định còn nhiều bất cập, trả lương chưa tương xứng với mức độ cống hiến của NLĐ. Nhiều cán bộ trẻ, có năng lực, làm việc tốt nhưng vẫn nhận mức lương rất thấp. Chưa kể có nhiều đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ còn chung chung, chi trả thu nhập tăng thêm theo hình thức “cào bằng”, dẫn đến nhiều cán bộ không “mặn mà” với công việc.
Trả lương theo kết quả hoạt động của đơn vị
Hiện nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về “Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi với người có công” đã triển khai khảo sát chính sách tiền lương ở nhiều bộ, ngành, đơn vị. Theo ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính sách lương đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) phải bảo đảm giá trị thực của tiền lương và từng bước cải thiện theo sự phát triển của kinh tế – xã hội. Đồng thời, tiền lương phải bảo đảm cuộc sống của CBCCVC, NLĐ và có tích lũy; trả lương theo vị trí việc làm gắn với số lượng, chất lượng, năng suất thực hiện công vụ, công việc được giao; coi việc trả lương cho CBCCVC, NLĐ đủ, đúng cả về số lượng, chất lượng thực hiện nhiệm vụ là thực hiện đầu tư cho phát triển. Mức tiền lương được hưởng phải tương xứng với giá trị sức lao động được thị trường thanh toán.
Một trong những giải pháp cải cách tiền lương là đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với các ĐVSNCL, hạn chế bao cấp trong hoạt động của các đơn vị này; giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước mới có điều kiện cải cách tiền lương khu vực hành chính nhà nước. Song song với việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ, chính sách về lương cũng sẽ thay đổi, nhằm đảm bảo NLĐ được trả lương xứng đáng với kết quả làm việc.
Bà Vũ Thị Hải Yến, Trưởng phòng Sự nghiệp y tế, Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, sẽ thực hiện chi trả lương theo mức độ tự chủ của đơn vị. Cụ thể, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được quyền quyết định số lượng người làm việc, tiền lương theo kết quả hoạt động; được Nhà nước hỗ trợ về thuế, phí để tăng cường năng lực tài chính và khả năng tự cân đối.
Đơn vị đã tự chủ về tài chính (nhóm 1, nhóm 2) được trả lương theo kết quả hoạt động, trong đó, cần quy định rõ trả lương theo doanh nghiệp loại hình gì; tiền lương được hạch toán vào chi phí; đồng thời bỏ quỹ bổ sung thu nhập đối với loại hình này cho phù hợp với cơ chế như doanh nghiệp.
Đơn vị nhóm 3 - đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, được thực hiện trả lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp theo quy định hiện hành; đối với phần tăng thu, tiết kiệm chi, được trích lập các quỹ bổ sung thu nhập và phát triển hoạt động sự nghiệp. Đơn vị nhóm 4 - đơn vị sự nghiệp được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, thực hiện cơ chế khoán chi, quy định khoán theo mức trần từng khoản chi, khoán theo khối lượng công việc, nhiệm vụ được giao, vị trí việc làm…
Bùi Tư