(CMO) Chính sách được ban hành, áp dụng phải có lợi cho đối tượng nhân dân thụ hưởng là tinh thần làm việc của 3 Tổ Đại biểu HĐND tỉnh tại phiên họp thảo luận, cho ý kiến về 11 Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các Tờ trình, diễn ra ngày 28/3. Đây là phiên họp tổ nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ Tám (bất thường), dự kiến diễn ra vào đầu tháng 4 tới.
Một số vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là Tờ trình số 27 và dự thảo Nghị quyết về việc ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng mô hình bệnh viện Sản Nhi Cà Mau làm vệ tinh cho Bệnh viện Nhi đồng 1 giai đoàn 2 (2016-2020); Tờ trình số 28 của UBND tỉnh, về việc Ban hành Nghị quyết quy định cụ thể khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh các trường phổ thông ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Tờ trình số 20 của UBND tỉnh, ban hành Nghị quyết quy định mức chi quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo đại biểu Huỳnh Thị Thanh Loan, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 2, thì đối tượng người cao tuổi là vốn quý của xã hội, cần phải có chế độ, chính sách phù hợp, thể hiện sự quan tâm và trân trọng của cộng đồng. Đại biểu Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Ban Văn hoá – Xã hội, đánh giá: “Nếu áp dụng theo mức tối thiểu thì chưa thật sự hài hoà, hợp lý. Hơn nữa, nếu áp dụng theo mức cao hơn quy định của Thông tư liên tịch số 29 của liên Bộ LĐTBXH và Bộ Tài chính thì nếu chi ở mức cao hơn vẫn không ảnh hưởng nhiều đến nguồn kinh phí”.
Đại biểu Huỳnh Thị Thanh Loan, Tổ trưởng tổ thảo luận số 2 cho rằng, chính sách khi ban hành, áp dụng phải thực sự có lợi cho đối tượng thụ hưởng. |
Đại biểu Nguyễn Sơn Ca, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đồng tình với nhận định này, và nêu rõ quan điểm: “Cần phải áp dụng linh hoạt, thể hiện được tính ưu việt của chính sách khi áp dụng với đối tượng người cao tuổi. Hoàn toàn có thể quy định rõ hơn những trường hợp cụ thể được áp dụng theo chiều hướng có lợi cho đối tượng thụ hưởng, ví dụ quy định ở mức 90 tuổi, 100 tuổi”. Về vấn đề này, ông Dương Hữu Tảng, Phó giám đốc Sở Tài chính cho biết, vẫn có khả năng điều chỉnh mức hỗ trợ cho người cao tuổi theo hướng tăng, không gây ảnh hưởng nhiều đến nguồn ngân sách hoạt động chung.
Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau Dương Hữu Tảng cho biết, việc áp dụng theo mức hỗ trợ cho người cao tuổi có thể tính toán tăng một cách phù hợp, thể hiện sự trân trọng của xã hội. |
Tổ thảo luận 1 do đại biểu Hồ Minh Chiến làm tổ trưởng, Tổ 3 do đại biểu Nguyễn Kiên Cường làm tổ trưởng. Đại biểu đặc biệt quan tâm đến Tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy định khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh là đối tượng thụ hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo quy định khoảng cách tiểu học là 4 km, THCS 7 km, THPT 10 km nhưng không thể trở về trong ngày như trong dự thảo nghị quyết là có đảm bảo tính khả thi khi áp dụng thực tế. Quy định tỷ lệ khoản kinh phí hỗ trợ cho các trường tổ chức nấu ăn cho học sinh bằng mức 200% mức lương cơ sở/1 tháng/30 học sinh là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và với quy định pháp luật.
Đại biểu Vũ Hồng Như Yến, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, cho rằng, đối tượng học sinh được thụ hưởng các chế độ hỗ trợ cần quy định cụ thể, rõ ràng và sát với tình hình địa phương. Trên thực tế, một số chính sách trước đây được áp dụng chưa thống nhất, còn có những cách hiểu khác nhau, thậm chí có nơi không thực hiện. Ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, thông tin, đối tượng thụ hưởng các chính sách theo Nghị định 116 đã dừng lại trong năm 2018. Toàn ngành đã tiến hành khảo sát, thẩm tra, xác minh lại các đối tượng và căn cứ trên những quy định cụ thể, rõ ràng. Về việc khoán kinh phí nấu ăn cho học sinh, cần phải tính toán cho thật sự phù hợp, đảm bảo đúng quy định nhưng phải đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh. Đối tượng học sinh vùng khó khăn rất cần được sự hỗ trợ, từ đó ngăn chặn tình trạng bỏ học.
Cũng tại phiên họp Tổ, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trung Nhân giải thích một số thắc mắc của các đại biểu về giá khám sức khoẻ của người xuất khẩu lao động ở mức cao. Theo ông Nhân, vì khám sức khoẻ cho người lao động sang các nước phải theo yêu cầu bên tiếp nhận lao động, sử dụng nhiều xét nghiệm cho các loại bệnh, nên giá thành cao là hiển nhiên. Hiện tại toàn quốc cũng chỉ có hơn 80 cơ sở y tế đủ điều kiện khám sức khoẻ cho người lao động xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Nhân lưu ý, đa phần người đi xuất khẩu lao động có hoàn cảnh khó khăn, cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để giảm gánh nặng cho người tham gia./.
Quốc Rin – Phương Lài – Băng Thanh