UBND tỉnh Tây Ninh vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính về tình hình thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa.
Tỉnh này cho biết đã có nhiều chính sách ưu đãi, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, như chính sách về thuê đất, thuế, hỗ trợ lãi suất để xây dựng trường học. Chính vì vậy công tác xã hội hóa đã phát triển mạnh, huy động được sự đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bằng các hình thức để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên, tỉnh cũng cho biết, việc thực hiện chính sách xã hội hóa theo các văn bản hướng dẫn còn một số vướng mắc. Cụ thể, trong việc thực hiện Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giao dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường gặp nhiều khó khăn.
Những ưu đãi về giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; cho thuê đất, cơ sở vật chất với giá ưu đãi; ưu đãi tín dụng trên thực tế triển khai rất hạn chế do nhiều nguyên nhân, như: vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, thiếu quy hoạch sử dụng đất đai.
Trong quá trình thực hiện Quyết định số 1466/QĐ-TTG quy định danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa, do quỹ đất tại các đô thị có hạn nên các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập chưa được ưu tiên xem xét thực hiện giao đất, cho thuê đất, thuê nhà theo Thông tư số 135/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hoặc đã được giao đất, thuê nhà nhưng không bảo đảm diện tích đất tối thiểu theo quy định.
Để đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, các trường ngoài công lập tự thu xếp nguồn vốn trong việc chuyển nhượng hoặc thuê đất của tư nhân để đầu tư xây dựng nên chi phí đầu tư cao, quy mô học sinh/trường thấp, nhất là cấp học mầm non. Đối với các trường ngoài công lập thì loại hình trường đa cấp là khá phổ biến. Nhưng Quyết định số 1466/QĐ-TTg chưa có quy định về loại hình trường này nên khó khăn cho các đơn vị khi thực hiện.
Bên cạnh đó, việc giao đất sạch cho các nhà đầu tư là một chính sách ưu đãi rất lớn để thu hút đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, chính sách này lại khó thực hiện trong thực tế do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là thiếu quy hoạch sử dụng đất đai cho mục đích xã hội hóa và thiếu kinh phí thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư.
Ngay cả đối với các trường đã có trong danh mục chuyển sang tư thục theo quy hoạch được duyệt, nhưng cơ chế xác định giá trị để chuyển sang tư thục, kêu gọi đầu tư không được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh và giáo viên của các trường dự kiến chuyển đổi./.
Bùi Tư