(CMO) Đã 10 năm, giờ quay lại Khánh Thuận nếu không hỏi đường đi thì người xa quê dễ bị lạc đường. Chuyến về Khánh Thuận lần này, chúng tôi còn được anh Lê Hồng Thịnh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã kể cho nghe về những đổi thay sau 10 năm thành lập xã. Vui nhất là những câu chuyện về giảm nghèo, những quyết tâm thoát nghèo và đồng thuận xây dựng xã nông thôn mới.Những ngày đầu mới thành lập (năm 2009), xã gặp rất nhiều khó khăn như: Kết cấu hạ tầng hầu như chưa có gì, trụ sở làm việc của xã được tận dụng từ trụ sở của Lâm ngư trường U Minh 2, rất cũ kỹ; Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế thiếu; Chưa có đường ô tô từ huyện đến trung tâm xã, giao thông chủ yếu đi lại bằng đường thuỷ; Tỷ lệ hộ sử dụng điện chỉ đạt 39%. “Bà con nông dân thời điểm ấy chưa được tiếp cận khoa học - kỹ thuật nhiều, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, năng suất thấp; Kinh tế rừng kém hiệu quả, đời sống Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Toàn xã chỉ có 12 chi bộ, với 95 đảng viên; Có đến 10 ấp trắng chi bộ, 7 ấp trắng đảng viên”, anh Thịnh nhớ lại. Sau 10 năm kể từ ngày thành lập, Đảng bộ và Nhân dân trong xã đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Từng bước người dân được tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được hình thành và nhân rộng. Trên vùng đất Khánh Thuận, bà con nông dân bắt đầu chuyển dần từ nuôi tôm quảng canh truyền thống sang nuôi tôm quảng canh cải tiến, kết hợp trồng lúa mang lại hiệu quả cao. Anh Thịnh nhẩm tính: “Xã hiện có hơn 2 ngàn héc-ta nuôi tôm kết hợp trồng lúa, trong đó có hơn 850 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến. Hơn 730 ha cây ăn trái và hoa màu các loại, trong đó có 420 ha chuối, 170 ha dừa, 53 ha cam, quýt và các loại cây ăn trái khác đã cho thu hoạch năng suất cao”. Ngoài ra, chính sách ăn chia sau khai thác rừng của bà con trong lâm phần đã thay đổi theo hướng có lợi cho người dân. Chu kỳ khai thác rừng ngày càng được rút ngắn (trước đây từ 7-10 năm/chu kỳ, nay còn 4-5 năm), sản lượng, giá cả lâm sản cũng được nâng cao. Từ xuất phát điểm hạ tầng xem như bằng không, thì nay đã được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Toàn xã hiện có 150 km đường bộ được bê tông hoá và nhựa hoá, nối liền từ trung tâm huyện đến xã và từ xã đến các ấp; 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia (tăng 61% so với năm 2009). Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế đang được tiếp tục đầu tư hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu dạy và học cũng như công tác khám, chữa bệnh.
Từ các nguồn vốn, 10 năm qua xã đã được đầu tư xây dựng mới hơn 750 căn nhà cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc Khmer. Hiện xã có hơn 3.250 căn nhà ở đạt chuẩn, không còn nhà ở dột nát. Hộ nghèo hàng năm giảm từ 5% trở lên (hiện xã còn 432 hộ nghèo, chiếm 13,26%, giảm 20,03% so với năm 2009). Hệ thống chính trị từ xã đến ấp luôn được củng cố và kiện toàn. Đến nay, xã có hơn 300 đảng viên, 23 chi bộ (xoá ấp trắng đảng viên, ấp trắng chi bộ). “Mặc dù tốc độ giảm nghèo những năm qua khá nhanh (trên 5%/năm), nhưng xét thấy hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn cao. Đây là vấn đề mà Đảng bộ, chính quyền xã Khánh Thuận còn nhiều trăn trở và cần phải phấn đấu nhiều hơn trong thời gian tới, đồng thời sẽ học hỏi thêm những giải pháp của các đơn vị khác”, anh Thịnh trần tình. Nghe hỏi về sự chuyển biến mạnh mẽ trong vùng dân cư ở các ấp của xã, anh Lê Hồng Thịnh không khỏi dè dặt nhắc đến câu chuyện “nóng hổi” ở xã. Nhưng khi biết được ý định lần này về xã không vì “vấn đề nóng” ấy mà vì ghi nhận, phản ánh sự khác biệt của Khánh Thuận trong 10 năm bứt phá thì anh Thịnh vui hẳn. Anh cho hay: “Thông qua đối thoại, những vấn đề bức xúc của người dân thuộc thẩm quyền của cấp xã đã được giải quyết kịp thời. Từ đó, tạo được sự gần gũi, gắn bó hơn giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Điển hình nhất là 2 vụ việc nổi trội mà Đảng uỷ, UBND xã tiếp nhận và giải quyết ổn thoả, tạo dư luận tốt, gây dựng thêm niềm tin trong Nhân dân”. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Thế Ẩn, Ấp 20. Ông có đơn yêu cầu xem xét lại đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên, cá nhân của chi bộ, chính quyền Ấp 20. Nhận thông tin, Đảng uỷ xã kịp thời thành lập tổ công tác, tiến hành xác minh các nội dung mà ông Ẩn đã yêu cầu. Sau đó, tổ chức buổi đối thoại với ông Ẩn và những người có liên quan với tinh thần cầu thị, dân chủ, thẳng thắn. Qua đối thoại, ông Ẩn hài lòng với cách giải quyết của Đảng uỷ và những “khuất tất” của vụ việc được làm sáng tỏ. Giải thích thấu đáo, người dân đồng thuận, chính quyền rút kinh nghiệm sâu sắc. Hay câu chuyện của bà Nguyễn Cẩm Lụa, Ấp 19, khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với con bà. “Qua xem xét khiếu nại, chúng tôi tổ chức buổi đối thoại với bà Lụa. Bà Lụa đã nghe tận tường những phân tích, giải thích nội dung liên quan đến khiếu nại, hành vi vi phạm của con bà và những quy định của pháp luật. Qua đó, bà Lụa đồng ý với cách giải quyết của UBND xã và rút đơn, không khiếu nại nữa”. Những chiếc cầu, những tuyến đường, kèm theo đó là tuyến lưới điện giăng giăng đã hội tụ về Khánh Thuận, nơi mà cách nay 10 năm người lạc quan nhất vùng này cũng chưa hề nghĩ đến. Từ trung tâm xã, giờ có thể mất 15 phút để ngược về trung tâm huyện; 60 phút tiến thẳng đến TP Cà Mau bằng cả phương tiện xe ô tô lẫn mô tô. Từ vùng nghèo, thu nhập trung bình chưa tròn 10 triệu đồng/năm khi mới thành lập, nay cả xã hầu như nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn, xe ô tô; Thu nhập bình quân giờ đạt trên 35 triệu đồng. Xã đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới và đạt chuẩn vào năm 2020./. Phong Phú |