Theo ông Nguyễn Bích Lâm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV năm 2018 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng của quý IV/2018 thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý IV/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý IV các năm 2011-2016.
Đặc biệt, GDP cả năm 2018 tăng 7,08%. Theo ông Lâm, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.
Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.
Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012-2018, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,46%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2018 duy trì mức tăng trưởng khá với 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng cao 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016“, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế nhưng mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,1% của năm trước.
"Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017“, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Cũng trong năm 2018, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,27% và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,81%.
Tại họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, một điểm đáng chú ý là chất lượng tăng trưởng kinh tế 2018 đã được cải thiện. Theo đó, năm 2018, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,50%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,29%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015.
Năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng 5,29% của năm 2016 và xấp xỉ mức tăng 6,02% của năm 2017 do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2018 tăng cao.
Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017 và 5,97 năm 2018, bình quân giai đoạn 2016-2018 hệ số ICOR ở mức 6,17, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.
- CEO Thắng Lợi Group nhận giải thưởng Sao Đỏ năm 2022
- Tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022
- Từ ngày 1/1/2023, giá gas trong nước giảm mạnh
- Không để thiếu thuốc phòng, chữa bệnh trong dịp Tết 2022
- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao kết quả BHXH quận Hai Bà Trưng đạt được tro
- Quy chuẩn mới về cơ sở đóng, hoán cải, sửa chữa phương tiện thuỷ nội địa
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Điều hành giá giữ ổn định thị trường
- Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số
- Cần biện pháp xử lý mạnh các vụ vi phạm công trình thủy lợi