Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Sự phát triển rất nhanh của AI, đặc biệt là ChatGPT đang đặt ra nhiều cơ hội, thách thức đối với báo chí, cả vị trí việc làm của các nhà báo và các nhà quản lý. Không chỉ nguy cơ AI tạo ra các thông tin sai lệch, ai sở hữu các bài viết do AI tạo ra? Ai chịu trách nhiệm với việc xuất bản các nội dung là sản phẩm của AI? Việc đối phó nội dung độc hại với báo chí sử dụng AI sẽ như thế nào?... Đây đều là những câu hỏi phải tính tới. AI còn đe dọa nguồn thu của báo chí. Lâu nay các cơ quan báo chí cũng như các máy tìm kiếm dựa vào sự chú ý của người dùng đối với quảng cáo. Theo đó, người dùng gõ câu hỏi vào một công cụ tìm kiếm (tạo doanh thu quảng cáo bằng cách ưu tiên những đường link có tài trợ) trước khi chuyển sang website của bên thứ ba để đưa ra câu trả lời (những website này lại kiếm doanh thu thông qua quảng cáo của bên khác). Tuy nhiên, giờ đây, khi ChatGPT lướt toàn cõi mạng, đọc những đường link có nội dung liên quan rồi đóng gói câu trả lời trong một đoạn văn bản ngắn gọn, thử hỏi người dùng có lướt web nữa không? Điều này có thể dẫn đến một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí, doanh nghiệp muốn quảng cáo và các máy tìm kiếm như Google. Đây là vấn đề sống còn của các cơ quan báo chí tại Việt Nam. Nguy cơ chúng ta mất 50% lượng cập nhật từ công cụ tìm kiếm là rất rõ, kèm theo đó là mất tiền quảng cáo. Hiện nay, nếu ai nói là không nên đầu tư vào AI thì thật sự rất tụt hậu. Năm 2017, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu vào AI và đã bắt đầu áp dụng. Khi đưa ra tại Hội Báo toàn quốc cùng năm ấy, chúng tôi đưa chủ đề này ra nói và có một vài vị đã nói rằng chúng tôi đưa điều này ra còn xa xôi lắm, còn lâu trí tuệ nhân tạo mới vào Việt Nam. Ai ở đất nước chúng ta nghĩ những gì xảy ra ở thế giới thì 5 năm, 7 năm nữa mới có ở Việt Nam? Hoặc ít ra thì là 2-3 năm nữa? Nhưng hiện giờ với ChatGPT, trên thế giới xảy ra thế nào thì ngay lập tức Việt Nam có như vậy. Vì vậy, việc đầu tư vào AI là điều vô cùng cần thiết. Mọi người cũng nên đầu tư rộng hơn, không phải chỉ đơn giản là có công cụ để viết bài mà còn có các điều khác nhau... Con đường báo chí đang đi chắc chắn đồng hành với công nghệ. Công nghệ, trong đó có AI, những ứng dụng AI, đặc biệt là ChatGPT đã, đang đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí. AI được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2023 như: Sản sinh ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói, trợ lý ảo, học máy, ChatGPT, sẽ hỗ trợ cho làm được rất nhiều việc, giảm đi những công việc tủn mủn, mất nhiều công sức, làm đi làm lại. Nhưng ở góc độ sáng tạo, làm những điều đòi hỏi cảm xúc, phỏng vấn đối tượng... thì trước mắt trí tuệ nhân tạo chưa làm được. Nhưng biết đâu đó, nếu theo phỏng đoán của các chuyên gia đến năm 2036, việc máy móc đảm nhận hết công việc của chúng ta có thể sẽ trở thành sự thật. Tuy nhiên, AI cũng gây ra nhiều vấn đề đáng quan ngại cần được giải quyết, trước hết là vấn đề quyền sở hữu. Đầu tư cho AI không phải là mua một chatbot như ChatGPT để viết bài thay phóng viên. AI có nhiều ứng dụng khác nhằm hỗ trợ cho hoạt động của báo chí như việc nắm bắt hành vi người đọc, từ đó khuyến nghị nội dung theo hướng cá nhân hóa để lôi kéo, giữ chân độc giả. Hiện nay, đo đạc đánh giá các trang báo không chỉ là lượng truy cập mà đo bằng độ sâu của người đọc trên trang. Tức là người đọc ngồi trên trang càng nhiều thì càng tốt. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Sự xuất hiện của AI như ChatGPT cho báo chí cơ hội để loại dần đi các loại lao động kỹ năng cơ bản mà máy móc có thể làm như con người, thậm chí làm tốt hơn. AI khiến chúng ta nhận ra đang phí sức, phí lực lượng như thế nào để tạo ra những sản phẩm báo chí giống nhau... Với khả năng viết các tin tức như hiện nay của AI, những người làm báo đừng nên phí lực lượng vào những thứ giống nhau và phải suy nghĩ nghiêm túc về giá trị thực sự của báo chí. Đó là khả năng viết những câu chuyện sâu sắc, độc đáo, nhân văn mà máy không thể viết được. Theo tôi, trước khi trả lời câu hỏi chúng ta nên làm gì với AI thì quan trọng hơn là nên trả lời câu hỏi chúng ta không nên làm gì nữa. Các nhà báo không nên viết loại tin ít giá trị, giống nhau, ai cũng có thể có. Các tòa soạn cũng không nên cử phóng viên làm thể loại tin này nữa, không nên lên mạng xã hội xem nay mạng xã hội nói gì để viết lấy vài view. Nhà báo nên kể được câu chuyện của mình. Đó là những bài báo rất có giá trị vì đó là câu chuyện đơn nhất, duy nhất, độc bản, không sao chép, không có AI nào ngụy tạo được. Đó có lẽ sẽ là xu hướng mới của báo chí. Các tòa soạn báo phải biết cái gì là giá trị cốt lõi của báo chí. Công nghệ chỉ là công cụ. Chúng ta nên dùng công nghệ để có lợi cho chúng ta, phục vụ chúng ta chứ không nên hùa theo xu hướng công nghệ mà có khi ta lại mất đi bản thể, giá trị cốt lõi, trở thành phụ thuộc thậm chí bị kiểm soát. Ông Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam: Báo chí là một bộ phận của văn hóa. Những bài báo viết, sản phẩm báo chí mà các nhà báo sáng tạo ra hàng ngày chính là sứ giả đưa văn hóa ra xã hội. Báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc chuyển tải văn hóa, lan tỏa văn hóa ra xã hội. Do là một sản phẩm có tính văn hóa do con người tạo ra, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, giáo dục... nên bản thân tác phẩm báo chí chứa đựng tri thức văn hóa, nhân văn, thông điệp có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ tới công chúng. Đặc biệt, nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới dự lãnh đạo của Đảng, luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn, nỗ lực phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những phẩm chất cao quý, kết tinh thành giá trị văn hóa luôn được giữ gìn, trao truyền, trở thành niềm tự hào của những người làm báo cách mạng. Bên cạnh những nhà báo có những cống hiến cho đất nước, cho sự phát triển của sự nghiệp báo chí, mang lại vinh quang cho nhà báo, nghề báo, hiện nay, trong hệ thống báo chí có hiện tượng rất đáng lo ngại. Đó là một bộ phận không nhỏ những người làm báo và mang danh báo chí đã không làm nghề để phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước, nhân dân, mà dùng nghề để vụ lợi, từ đó có những hành vi sai phạm trong nghiệp vụ báo chí. Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, sa đà vào thông tin mặt trái xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục, phản văn hóa; một số ít người làm báo vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm... Trong bối cảnh đó, việc nâng cao nhận thức về văn hoá, tạo lập không gian văn hoá là yêu cầu cấp thiết. Bởi có những điều pháp luật không cấm nhưng đạo đức không cho phép, khi cầm bút, nhà báo cần có trách nhiệm với từng con chữ được viết ra. Văn hóa của người làm báo còn nằm ở chỗ, họ phải luôn quan tâm đến giá trị con người, biết cảm thông và bao dung cho những hoàn cảnh khốn khó. Chỉ khi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa thì mới ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực. Việc lan tỏa giá trị nhân văn, tốt đẹp; lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, nêu cao các giá trị văn hoá cũng là những gì người làm báo phải theo đuổi đến cùng trong quá trình làm nghề. PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam: Văn hóa trong báo chí không phải là điều gì đó cao siêu, trừu tượng. Mỗi tờ báo dù có tôn chỉ, mục đích khác nhau song đều có chung nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người làm báo được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, yêu mến bởi sở hữu “lòng trong, bút sắc”, vậy nên cần giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, luôn tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, thấm đẫm tính nhân văn, luôn vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Giữ gìn những phẩm chất cao quý kể trên chính là báo chí tỏa sáng giá trị văn hóa quý báu. Báo chí nhân văn là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ mục đích, hoạt động theo pháp luật và có tính toán đến tác động của thông tin với độc giả và với chính nhân vật. Pháp luật dù có chi tiết đến đâu cũng không thể quy định từng trường hợp cụ thể. Cho nên các cơ quan báo chí, mỗi người làm báo phải cân nhắc trước khi xuất bản sản phẩm báo chí, dù không vi phạm pháp luật nhưng liệu có vi phạm đạo đức, lương tâm nghề nghiệp hay không? Có tác động bất lợi đến lợi ích chung của đất nước, cộng đồng, lợi ích riêng chính đáng của cá nhân, tổ chức nào đó không? Yếu tố văn hóa, nhân văn cũng không phải là điều gì khó thực hiện, chỉ cần mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có ý thức trách nhiệm vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp, cân nhắc tác động đến xã hội và công chúng thì sẽ cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, đồng thời lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa. Chỉ khi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa sẽ ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa, phụng sự người đọc. Việc tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Làm tốt được điều này chính là góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; là vũ khí sắc bén của Đảng, chế độ ta trên mặt trận tuyên truyền. Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ: AI đang làm thay đổi mô hình tòa soạn và phương thức quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn của Báo Tuổi trẻ. Trước đó, Báo Tuổi trẻ đã mất hơn 10 năm để chuyển đổi từ tòa soạn truyền thống sang tòa soạn hội tụ. Nhưng khi chuyển đổi từ tòa soạn hội tụ sang tòa soạn chuyển đổi số thì chỉ mất 2 năm. Áp lực khách quan từ đại dịch Covid-19 đã buộc Báo Tuổi trẻ phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Từ kinh nghiệm này của Báo Tuổi trẻ cho thấy, các tòa soạn có thể giảm tải công việc cho các phóng viên bằng cách ứng dụng công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu của người dùng, hình thành bộ phận chăm sóc bạn đọc (Chat Tuổi trẻ) và hướng đến việc hình thành hệ sinh thái của Báo Tuổi trẻ để kết nối tất cả các nguồn lực. Các tòa soạn phải tự xây dựng được kịch bản phát triển và AI không chỉ giúp sản xuất tin bài mà còn có thể giúp quản trị nhân sự của tòa soạn rất tốt. Dù muốn hay không phải chuyển đổi, công việc cũng đang được giảm bớt nhờ ứng dụng công nghệ, AI. Đầu năm 2023, Báo Tuổi trẻ ra mắt Tuổi trẻ online mới với giao diện được làm trong chỉ 3 - 4 tháng nhờ ứng dụng công nghệ số, AI, trong khi đó trước đây một giao diện mới phải làm mất cả năm. Ngoài ra, Báo Tuổi trẻ cũng ứng dụng AI để phát triển dữ liệu người dùng, theo đó Báo đã thuê một công ty Ấn Độ làm rất tốt khai thác dữ liệu bạn đọc để đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Báo cũng đang triển khai chat Tuổi trẻ trong nội bộ để phát triển đề tài từ nguồn dữ liệu của báo như một phóng viên đề xuất một đề tài mới thì phải nắm được thông tin các bài viết đã xuất bản liên quan để phát triển nội dung mới chứ không phải lặp lại. Điều này có nghĩa là tìm ý tưởng mới từ dữ liệu cũ. Chat Tuổi trẻ cũng để giải đáp các câu hỏi của bạn đọc, trong đó có một ví dụ về câu hỏi được gửi đến toà soạn về các điểm tiêm vắc xin cho trẻ em. Dữ liệu toàn bộ điểm tiêm vắc xin mà toàn thể trẻ em ở TPHCM có thể đến tiêm đã được tổng hợp để trả lời bạn đọc. Báo Tuổi trẻ mong muốn trở thành là một hệ sinh thái kết nối tất cả các nguồn lực hiện có để phát triển toà soạn, tránh phát triển nhiều sản phẩm mà không kết nối mà kết nối được thì chỉ có máy móc mới làm tốt. Máy móc giúp tiết kiệm nguồn nhân lực theo cách phải đầu tư, tận dụng và phát huy hiệu quả hơn. Bà Đào Phạm Hoàng Quyên, Tổng Biên tập Báo Phú Yên: Chuyển đổi số nếu thực hiện thành công sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung cũng như phương thức tiếp cận với độc giả. Xu thế tất yếu của chuyển đổi số trong báo chí đòi hỏi người đứng đầu cơ quan báo chí phải nhạy bén và bản lĩnh, bởi chuyển đổi số không có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí mà tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh riêng. Nhạy bén cập nhật thông tin, xu hướng chung của báo chí hiện đại để không bị lạc hậu với tình hình. Bản lĩnh để xuất phát từ thực tế của đơn vị mình mà chọn cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ nào phù hợp với tòa soạn thì đầu tư, áp dụng hiệu quả nhất, không áp dụng máy móc theo xu hướng, trào lưu. Qua thực tiễn, chúng tôi cũng xác định mấu chốt của chuyển đổi số không nằm ở vấn đề đầu tư chạy theo sự phát triển của công nghệ mà ở con người, tư duy. Con người là nhân tố quyết định. Vì vậy, thời gian qua chúng tôi đã chú trọng đào tạo và đào tạo lại để có một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ số và cách tiếp cận mới mẻ, tạo ra một kết quả khác biệt, hiệu quả hơn. Trong dòng chảy thông tin ngồn ngộn hàng ngày từ báo chí, mạng xã hội, một khi có sự kiện, vấn đề gì còn đang có những tranh cãi trái chiều về Phú Yên, độc giả sẽ nói: “Muốn biết chính xác bản chất của vấn đề thì coi PYO là rõ” thì đó chính là thành công của quá trình chuyển đổi số của Báo Phú Yên, là mục đích cao nhất của những người làm báo chúng tôi. Ông Trịnh Hoàng Xuân Phúc, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tư vấn hướng nghiệp, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương: Trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng, phát huy tối đa hiệu quả của vai trò là cơ quan tuyên truyền, định hướng dư luận, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tuy nhiên, với thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay, sự bùng nổ của AI hay sự ra đời của ứng dụng ChatGPT đã tạo nên một luồng gió mới, một bức tranh mới với nhiều điểm chấm phá phong phú trong lĩnh vực báo chí-truyền thông. Điều này đã tác động đến việc đòi hỏi tòa soạn báo và nhà báo phải thay đổi kịp thời, thích ứng với các xu hướng mới, phù hợp với thời đại. Truyền thông 4.0 không dừng lại ở mức độ tuyên truyền những thông tin theo một chiều (người gửi – người nhận) mà phải đáp ứng các yếu tố như cập nhật, phát triển cả về nội dung lẫn hình thức, phương tiện. Ngoài báo in, truyền thanh, báo hình, báo điện tử, người làm báo hiện nay phải biết đẩy mạnh, tăng cường tần suất đăng tải trên các nền tảng truyền thông số. Dưới góc độ là một độc giả và là người công tác trong lĩnh vực truyền thông giáo dục, bản thân tôi mong muốn các tòa soạn báo và người làm báo luôn giữ vững được lập trường, tư duy nhạy bén, cập nhật nhanh chóng thông tin của xã hội vì các sự kiện diễn ra từng giờ, từng phút. Nắm bắt kịp thời thông tin giúp dư luận được định hướng đúng đắn, không bị sai lệch và giảm thiểu tối đa trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông. Đặc biệt là sự bùng nổ của những “nhà báo mạng”, đã ít nhiều gây ảnh hưởng, xáo trộn trật tự ngôn luận của xã hội. Vì vậy, vai trò của báo chí không chỉ phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thật nhất những sự kiện, thời sự trong đời sống mà còn ở việc định hướng thông tin tới công chúng theo công nghệ số nhưng không rời xa mục tiêu, sứ mệnh thiêng liêng của báo chí là phụng sự Tổ quốc, nhân dân, tất cả vì cộng đồng, công bằng, văn minh và mang tính nhân văn sâu sắc. Bên cạnh đó, người làm báo phải liên tục cập nhật, đổi mới từ tư duy đến hình thức để ngòi bút bén và nhạy theo thời cuộc. Việc này ngày càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt nhận thức đối với người làm báo, khi mà thông tin trên mạng xã hội ngày càng bùng nổ khó kiểm soát, cạnh tranh khốc liệt với thông tin chính thống trên báo chí. Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Giám đốc điều hành công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh: Có thể thấy, báo chí hiện nay đã và đang có nhiều sự thay đổi để góp phần thích ứng nhanh với điều kiện, tình hình thực tế và đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong điều kiện phù hợp. Trên cơ sở đó, quan điểm cá nhân tôi nhận thấy, báo chí hiện nay đang thay đổi theo chiều hướng tích cực và ngày càng có nhiều nội dung gắn liền với thực tiễn, khách quan, khoa học và sáng tạo. Cụ thể, những thông tin được cập nhật liên tục, nhanh và phản hồi sát với câu chuyện thực tế và nắm bắt được kịp thời xu hướng phát triển của xã hội một cách đa dạng, sáng tạo và có chiều sâu. Ứng dụng được các công cụ truyền tải thông tin bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động và làm hấp dẫn bạn đọc bằng nhiều cách thức để có một giao diện thân thiện với người dùng nhưng vẫn bắt kịp xu thể phát triển của công nghệ như hiện nay khi phần lớn, việc đọc báo mạng sẽ rút ngắn được thời gian, tiện lợi và tiết kiệm một phần chi phí hơn so với báo in (nói như vậy không phải phủ nhận vai trò của báo in mà để chúng ta thấy được sự phát triển của xu hướng bạn đọc trong thời đại số). Bên cạnh đó, báo chí cũng có sự cập nhật một cách chính thống, minh bạch, trách nhiệm và thể hiện vai trò của người đưa tin, nhất là đối với các tin tức liên quan đến tình hình xã hội, nhân vật… Tạo nhiều không gian để bạn đọc có thể góp ý và phản hồi sau khi đọc xong tin tức cũng như có sự thay đổi phù hợp và ngày càng hoàn thiện hơn về mặt thông tin. Song để báo chí phát triển và hoàn thiện ngày càng hiệu quả hơn, theo tôi, báo chí đảm bảo cung cấp thông tin đa dạng, phản ánh nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Điều này giúp cho bạn đọc tiếp cận thông tin nhanh và có cái nhìn tổng quan từ nhiều nguồn khác nhau liên quan đến các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, giải trí và thể thao. Duy trì mức độ tin cậy cao và sự khách quan trong việc trình bày thông tin. Cần có sự nghiêm túc trong nghiên cứu, xác minh và chứng minh thông tin trước khi công bố. Tránh sai lệch, mất lòng tin bạn đọc. Ngoài ra, cần xây dựng kênh tương tác và phản hồi báo chí chuyên nghiệp, trách nhiệm và tạo điều kiện để bạn đọc tương tác và góp ý thông qua các phương tiện: Bình luận trực tiếp, góp ý qua thư,.. giúp báo chí cải thiện chất lượng thông tin và cung cấp nội dung phù hợp với nhu cầu độc giả. Đây cũng là kênh giúp báo chí có cập nhật thông tin nhanh chóng từ độc giải. Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại số bằng việc tạo ra các nền tảng trực tuyến, ứng dụng di động và các hình thức truyền thông khác… để giúp bạn đọc tiếp cận thông tin dễ dàng và thuận tiện hơn. Phát huy và duy trì độ tin cậy và đa dạng hóa thông tin, tăng cường tương tác với bạn đọc để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người đọc. |