Với phương châm phát triển hệ thống y tế phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhiều năm qua, Cà Mau không ngừng đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn và các bệnh viện được xây dựng ngày một khang trang hơn, đáp ứng tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực chất lượng... Qua đó phục vụ thiết thực việc chăm sóc sức khoẻ cũng như tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, phù hợp với nhu cầu.
Với phương châm phát triển hệ thống y tế phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhiều năm qua, Cà Mau không ngừng đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn và các bệnh viện được xây dựng ngày một khang trang hơn, đáp ứng tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực chất lượng... Qua đó phục vụ thiết thực việc chăm sóc sức khoẻ cũng như tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, phù hợp với nhu cầu.
Phát triển mạng lưới y tế rộng khắp
Cà Mau từng là tỉnh có mặt bằng y tế thấp so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng đến nay y tế Cà Mau đã vươn lên sánh ngang và vượt mặt bằng chung về y tế trong khu vực ĐBSCL. Tỉnh đã có mạng lưới y tế cơ sở mạnh với hơn 86% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế trong năm 2015. Bác sĩ Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, khẳng định: “Các trạm y tế tuyến xã, nhất là ở vùng sâu, vùng ven biển được đầu tư mạnh đã giải quyết tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân”.
Phòng khám Đa khoa khu vực Khánh Bình Tây, 1 trong 2 phòng khám đa khoa khu vực của huyện Trần Văn Thời được đầu tư mạnh về trang thiết bị y tế, phục vụ khám và điều trị bệnh cho người dân.
Tỉnh cũng xây dựng và thu hút được nguồn lực bác sĩ có năng lực và nhiệt tình về phục vụ không chỉ ở các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực mà còn ở các trạm y tế cơ sở. 100% trạm y tế tuyến xã, phường, thị trấn có bác sĩ phục vụ, nhiều trạm có 2 bác sĩ. Cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 100%, đảm bảo đạt chuẩn của Bộ Y tế.
Bác sĩ Phan Phương Đông, Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Sông Đốc, cho biết: “Sông Đốc là cửa biển lớn, tàu cá ra vào thường xuyên, do đó lượng người dân đến khám, chữa bệnh rất đông. Nhờ có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị đạt yêu cầu, phòng khám thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, phòng khám còn được cung cấp đầy đủ thuốc, hoá chất phòng, chống dịch bệnh, vì thế, nhiều năm liền không có dịch lớn xảy ra trên địa bàn”.
Anh Võ Anh Minh, ngư phủ quê tỉnh Kiên Giang, bày tỏ: “Hoạt động trên vùng biển Cà Mau, mỗi khi bệnh, anh em nhanh chóng vào bờ tại các điểm gần nhất như: Sông Đốc, Khánh Hội, Hòn Chuối. Ở các nơi này đều có bác sĩ, nhân viên y tế, có đủ các phương tiện, thuốc men và được chăm sóc rất tận tình”.
Đối với tuyến tỉnh và huyện, những năm qua Cà Mau đã đầu tư xây dựng hệ thống các bệnh viện ngày một khang trang và chất lượng hơn. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau và Bệnh viện Sản - Nhi phát huy hiệu quả tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân. Đặc biệt, Bệnh viện Sản - Nhi là mô hình bệnh viện chuyên khoa mới được triển khai ở một số tỉnh trên cả nước, được các cấp, ngành, Bộ Y tế đánh giá tích cực, nhận được sự tin tưởng của người dân. Không chỉ góp phần giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi còn tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của tỉnh.
Việc đầu tư mạnh và xác định rõ trọng tâm, trọng điểm giúp công tác y tế tỉnh nhà đạt nhiều thành công mới. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng được nâng cao. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các bệnh viện tuyến tỉnh đạt hơn 80%. Việc ứng dụng nhiều thành tựu khoa học vào công tác khám và điều trị bệnh giúp người dân không chỉ được chăm sóc tốt hơn mà còn giảm gánh nặng về tài chính khi được điều trị tại chỗ, không phải chuyển lên tuyến trên.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống các bệnh viện, y tế cơ sở, Cà Mau đã đạt chỉ tiêu 100% trạm y tế tuyến xã có bác sĩ phục vụ; các bệnh truyền nhiễm giảm; tỷ lệ bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế đạt hơn 95%; trẻ em được tiêm chủng đạt trên 90%; trẻ em suy dinh dưỡng giảm.
Các trạm y tế tuyến xã làm tốt công tác khám, chữa bệnh cho đối tượng bảo hiểm y tế, người nghèo, người cao tuổi, các đối tượng chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi, từ đó giúp người dân thuận lợi trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.
Bên cạnh công tác khám, chữa bệnh, công tác phòng, chống dịch nhiều năm qua đạt được thành công đáng biểu dương. Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Chúng tôi triển khai kế hoạch phòng, chống dịch ngay từ đầu năm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện. Trước, trong và sau thời điểm phát sinh dịch bệnh đều có sự theo dõi sát sao các ổ dịch cũ nhằm kịp thời xử lý, hạn chế dịch bệnh bùng phát. Nhiều năm gần đây, Cà Mau không có dịch lớn xảy ra”.
Bác sĩ Huỳnh Quốc Việc nhận định: “Để phòng, chống dịch tốt, trước hết phải có điều kiện y tế tốt. Chính vì vậy, việc đầu tư cho y tế cơ sở được tỉnh quan tâm thực hiện như: xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; bồi dưỡng, đào tạo nhân lực phục vụ tại địa phương, trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Cà Mau tích cực triển khai nhiều dự án về y tế, trong đó có Dự án AP (xây dựng và nâng cấp các trạm y tế tuyến cơ sở), góp phần nâng cao chất lượng y tế”./.