Chính phủ yêu cầu đến hết năm 2015 các TĐ,áicơcấbong da chau au hom nay TCT phải hoàn thành thoái vốn đầu tư tại các lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, căn cứ trên cơ sở nào để xác định là đầu tư ngoài ngành, thưa ông?
Muốn biết DN có đầu tư ngoài ngành hay không phải xem nhiệm vụ DN đó được giao như thế nào. Mà nhiệm vụ này được thể hiện ở điều lệ của DN. Trên thực tế, phải phân biệt rõ những lĩnh vực được coi là đầu tư ngoài ngành với việc đầu tư vào các ngành phụ trợ phục vụ cho ngành kinh doanh chính. Quan điểm là Nhà nước chỉ nắm giữ những gì cần nắm giữ, còn các lĩnh vực ngoài ngành, các DNNN không được đầu tư nữa. Đầu tư ngoài ngành không phải là sai vì Luật quy định các DN được phép đầu tư ở những lĩnh vực có khả năng thực hiện. Tuy nhiên, vì mục tiêu của các DNNN là thực hiện các nhiệm vụ chính của Đảng- Nhà nước giao, còn các lĩnh vực khác thì để DN thuộc các thành phần kinh tế khác thực hiện để bớt đi gánh nặng của Nhà nước.
Yêu cầu thoái vốn của các TĐ, TCT được xác định là hết sức khó khăn, nhất là trong bối cảnh thị trường hiện nay. Là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, ông có thể cho biết các phương án Bộ Tài chính tính đến để giúp các TĐ, TCT thoái vốn?
Tất cả các TĐ, TCT đều phải trình Chính phủ Đề án tái cơ cấu, trong đó phải có phương án kế hoạch thoái vốn để khẳng định quyết tâm thoái vốn. Còn thoái như thế nào, vào thời điểm nào cho hiệu quả thì trong lộ trình các TĐ, TCT đưa ra phải xây dựng tiến độ và giải pháp đề xuất. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu các phương án để các TĐ, TCT thoái vốn sao cho hiệu quả.
Có nhiều cách khác nhau, trong đó, giải pháp mà một số TĐ, TCT đã nêu đó là: Chuyển giao về TCT Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); cổ phần hóa; mua bán, hoán đổi, chuyển cho các DN kinh doanh đúng lĩnh vực… Nhưng làm gì cũng phải đảm bảo vốn đầu tư của DN hiệu quả. Hiệu quả là phải tính cho cả giai đoạn chứ không tại thời điểm. Sắp tới Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ phê duyệt những kế hoạch này để triển khai thực hiện. Một trong những giải pháp để thoái vốn đó là cổ phần hóa sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát để bổ sung hoàn thiện các cơ sở pháp lý để các DN khi sắp xếp, cổ phần hóa sẽ thông thoáng hơn, nhanh hơn.
Hiện có 7 Đề án tái cơ cấu của các TĐ, TCT trình Chính phủ; 40 TĐ, TCT gửi Đề án dự thảo về Bộ Tài chính xin ý kiến. Trong tháng 8-2012, các TĐ, TCT phải có báo cáo về lộ thoái vốn và quý III-2012, phải hoàn thành Đề án trình Chính phủ. Năm 2010, tổng số nợ phải trả của các TĐ, TCT là 1.088.290 tỷ đồng, bình quân bằng 1,67 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, có 30 TĐ, TCT tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần (7 TCT trên 10 lần; 9 TCT trên 5 - 10 lần; 14 TCT từ 3 - 5 lần. (Nguồn: Bộ Tài chính) |
Như ông đã nói, yêu cầu thoái vốn nhưng vẫn phải bảo toàn vốn. Đây là bài toán khó đối với các DN. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu từng cho rằng, các DN phải cân nhắc thời điểm thoái vốn vì nếu vốn là 10, thì chấp nhận bán được 9 để thu hồi vốn, còn hơn để lâu, con số mất sẽ lên đến 20. Tuy nhiên, DN vẫn lo ngại vì yêu cầu buộc phải bảo toàn vốn. Vậy, hướng cơ chế sẽ tháo gỡ vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Thoái vốn là áp lực lớn đối với các DNNN nhưng lộ trình đã đề ra và phải thực hiện bằng được. Từ nay đến mốc 2015, các TĐ, TCT căn cứ thời điểm thích hợp, phương án phù hợp gắn với lộ trình tái cơ cấu để tiến hành thoái vốn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ có hướng mở cho các DN thực hiện được chứ không phải khó là không làm. Bộ Tài chính sẽ góp phần thúc đẩy quá trình này bằng các cơ chế chính sách và hướng tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục củng cố vai trò của Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC), phải nâng cao năng lực để đáp ứng được yêu cầu xử lý nợ của DN, của ngân hàng. Đồng thời, sẽ mời các chuyên gia các nước đã xử lý nợ tương đối thành công như Nhật Bản tư vấn về xử lý nợ trong khủng hoảng…
Ông cho biết sẽ xử lý như thế nào đối với các DN làm ăn thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán?
Chắc chắn là phải làm triệt để. Có nhiều cách xử lý với việc này. Giải thể phá sản chỉ là giải pháp cuối cùng. Khi giải thể phá sản là xóa sổ một DN. Khi đó nhiều vấn đề xảy ra như tồn tại về tài chính, các khoản nợ, nhưng quan trọng nhất là người lao động. Người lao động ở DNNN thì Nhà nước vẫn phải đứng ra hỗ trợ bằng nguồn từ NSNN hay nguồn từ cổ phần hóa DN. Bất kỳ giải pháp xử lý nào đối với DN yếu kém thì mục tiêu ưu tiên là phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trên thực tế, thời gian qua, DATC đã xử lý nợ của các DN mía đường. Nhiều DN làm ăn kém hiệu quả, đứng trước nguy cơ phá sản, nay qua khảo sát mới đây của chúng tôi, những công ty này đã có lợi nhuận tuy không nhiều nhưng đã đóng góp vào ngân sách địa phương sau 6-7 năm thua lỗ kéo dài.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2010 có 30 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần. Đây có thể coi là các khoản nợ xấu không, thưa ông?
Nợ xấu phải là không trả được và không có khả năng thu hồi được. Cơ chế tài chính hiện nay, tất cả các DN có những khoản nợ không có khả năng thu hồi đều có cơ chế trích lập dự phòng đối với khoản nợ đó rồi. Như thế nợ không thu hồi được đều có nguồn bù đắp, đảm bảo an toàn tài chính của DN, thì khoản nợ đó chỉ là khoản nợ khó đòi. Còn nợ xấu như thế nào thì cũng chưa thể nói ngay được vì ngay cả đầu tư ra ngoài, tại thời điểm này ta có thể thấy không thu hồi được nhưng có thể sau 1-2 năm thị trường phát triển tốt, nhà đầu tư vào, bán được giá cao hơn thì lúc đó không phải là khoản không thu hồi được.
Điều quan trọng nhất trong Đề án tái cơ cấu của các TĐ, TCT, Thủ tướng yêu cầu phải xác định rõ đâu là các khoản nợ không thể thu hồi được và kê khai các khoản nợ tồn đọng kéo dài. Trong quy chế giám sát tài chính DN mới tới đây cũng sẽ có quy định phải có báo cáo riêng về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
Minh Anh (thực hiện)