Phát biểu khai mạc, ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, chương trình đào tạo thuộc khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam - là một chương trình xúc tiến thương mại dài hạn của Chính phủ, được thực hiện với mục tiêu quảng bá hình ảnh sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ) của Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao; tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị: Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong. Trên tinh thần đó, ông Bùi Huy Sơn chia sẻ thêm: “Chương trình hội thảo hôm nay sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những thông tin bổ ích về thương hiệu, cũng như khơi dậy những trao đổi thiết thực giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và nhà quản lý các cấp về vấn đề phát triển thương hiệu”. Trao đổi về xây dựng giá trị thương hiệu doanh nghiệp bền vững, ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc Công ty Mibrand cho biết, điều này phải dựa trên 3 yếu tố: Tiêu chuẩn cơ bản khi thiết kế thương hiệu doanh nghiệp; lựa chọn nhận diện bản sắc thương hiệu doanh nghiệp; thiết kế nhận diện thương hiệu doanh nghiệp. Ông đưa ra một số định nghĩa khác nhau về thương hiệu của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới như “Thương hiệu của bạn là những điều họ nói về bạn khi bạn không ở trong phòng” - Zeff Bezos, CEO Amazon; hay “Thương hiệu là tất cả những trải nghiệm mà khách hang có được khi “tiếp xúc” với doanh nghiệp” - Bryan Eisenberg - Founder và CMO của IdealSpot. Nhằm hiểu đúng về thương hiệu, ông Lại Tiến Mạnh cũng đưa ra một số nền tảng thiết yếu quyết định đến sự phát triển của thương hiệu như: sản phẩm, chất lượng, sự đổi mới, cải tiến liên tục để trở nên tốt hơn, hiểu rõ trải nghiệm khách hàng, sự cam kết hoàn thiện kèm theo đó là những dẫn chứng cụ thể, sinh động của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn mạnh trên toàn thế giới như: Coca-cola, Apple, IBM, Mead Johnson,…
Cũng tại hội thảo, ông Vũ Xuân Trường – thạc sĩ, chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã đưa ra cách xây dựng chiến lược thương hiệu doanh nghiệp thông qua các giá trị nền tảng của doanh nghiệp, khảo sát môi trường cạnh tranh, thiết lập các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và xây dựng cấu trúc thương hiệu và mô hình kinh doanh cạnh tranh cho thương hiệu. Cụ thể, quy trình xây dựng và phát triển thương hiệu sẽ trải qua 5 bước cơ bản, bắt buộc mỗi doanh nghiệp cần phải có. Trước tiên, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu và phân tích môi trường cạnh tranh, đối thủ và cơ hội trên thị trường. Thứ hai là xây dựng chiến lược thương hiệu dài hạn (3 năm trở lên), “doanh nghiệp nên xác định vị trí của thương hiệu trong “não” người tiêu dùng” - ông Trường nhấn mạnh. Tiếp theo, doanh nghiệp cần đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu để người tiêu dùng nhận biết và mua sản phẩm dễ dàng, thuận lợi hơn cho lực lượng bán hàng và tạo niềm tự hào cho nhân viên của công ty. Thêm nữa cần có chiến lược truyền thông thương hiệu cụ thể, bao gồm truyền thông cứng, truyền thông mềm, những phương tiện quảng cáo cho doanh nghiệp Việt Nam. Cuối cùng là đo lường và đánh giá, sau mỗi giai đoạn truyền thông, cần có sự đo lường hiệu quả của chiến dịch truyền thông để điều chỉnh kịp thời. Đáng chú ý, tại hội thảo bà Nguyễn Thị Hà - Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ các vấn đề về bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong và ngoài nước, cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về thủ tục đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam và nước ngoài. |