Chúng tôi muốn nói đến tác giả Nguyễn Văn Chính,ườinngdnđậmtnhnghệsĩty số c1 người con của đất Phụng Hiệp. Ông tự nhận mình là nông dân tập tễnh làm nghệ sĩ, nhưng những bài hát ông sáng tác lại khiến người nghe mênh mang nỗi nhớ quê... “Biết viết văn, làm thơ là mẹ vui rồi…” Chính câu nói này của mẹ mà tác giả Nguyễn Văn Chính lao vào học, dù thời của ông, mỗi tỉnh cũng không có mấy người học hết tú tài. Ông nói, nhà ông khá giả, nhưng mẹ ông cũng như những người phụ nữ thời xưa không được đi học. Vì thế, bà luôn khuyến khích các con học và làm khắc sâu trong suy nghĩ của anh em ông là học sẽ khai sáng tâm hồn, làm con người văn minh hơn. Những năm tháng đó, dù phải chạy giặc lánh nạn, nhưng chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ bỏ học. Nhớ lại thời học ở Trường Phan Thanh Giản vào những năm 1960, một buổi học, một buổi đi bán bánh mì, rồi hè phải kiếm việc làm thêm như bốc vác, cạo sơn nhà…, vậy nhưng ông luôn nằm trong tốp đầu của lớp. Rồi khi đỗ tú tài, ông quyết định không học tiếp, để về quê phụ gia đình, lo cho các em học… Nghĩ lại, ông không hề thấy tiếc, bởi những năm tháng trở về, ông đã đỡ đần và phụng dưỡng cha mẹ trọn đạo làm con. Cuộc sống của một nông dân làm tâm hồn ông thư thái và trí tưởng tượng bay bổng, phong phú của một người giỏi văn, cùng những trải nghiệm cuộc sống đã giúp ông tìm đến với thơ. Những vần thơ đầy cảm xúc, trải nghiệm và dạt dào tình cảm của ông khiến người đọc xao lòng. Ông nói mỗi nhân vật trong thơ đều là những người thật mà ông đã gặp ở quê mình hay trong quá trình đi đây đó tìm tư liệu… Tác giả đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, nếm đủ mùi của cuộc đời và có lẽ máu nghệ sĩ đã giúp ông có được cái nhìn rất đời, rất người, sẵn sàng đón nhận những khó khăn, vất vả một cách thản nhiên. Giờ đã ở tuổi 66, ông vẫn cần mẫn lao động để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. “Nói chứ viết lách để giải trí thôi chứ nhiêu tiền đâu, nhưng có lẽ đã trót mang cái nghiệp nên khó thể tách rời…”, ông Chính bộc bạch. Viết khi đã đong đầy cảm xúc Tác giả Nguyễn Văn Chính được nhiều người biết đến với những bài ca cổ ngọt ngào hương vị quê hương. Những tác phẩm tiêu biểu của ông: “Trong trăng có lời Người” (Giải B cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật - 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ của tỉnh Hậu Giang năm 2009), “Trăng nước quê tôi”, “Chiều trên đảo ngọc”, “Đàn voi Phù Đổng”, “Chiến sử Bảy Thưa”, chập cải lương “Tiếng cuốc kêu đêm”… Mấy chục năm nay, ông còn viết và dàn dựng kịch bản sân khấu cho cơ sở, huyện Phụng Hiệp tham dự các cuộc thi văn nghệ, thông tin lưu động… Ông nói, nghĩ cũng lạ, khi viết ca cổ, ông có biết nhạc lý gì đâu. Mấy người bạn, có khi là những nghệ nhân đờn chỉ ông cách điệu thức, vậy là làm liều mà viết. Mà ông không giỏi vi tính, nên chỉ viết tay, rồi nhờ người đánh máy lại. Bởi vậy, hỏi ông viết được bao nhiêu, ông chẳng nhớ đâu, chỉ nhớ những bài ông thích, được nghe hát nhiều… Ông còn làm thơ để giải bày những tâm tư, tình cảm của mình. Trong số những bài thơ ấy, có bài được nhạc sĩ Kiên Nhẫn phổ nhạc và đi đến đâu, hễ đề nghị hát là nhạc sĩ hát bài “Mẹ ngồi vá lại”. Tác giả kể, ông nhìn thấy một người mẹ già ngồi vá lại những mảnh vải đã cũ sờn, rách, như tìm về quá khứ, vá lại những nỗi buồn, niềm vui trong suốt cuộc đời mình. Ánh mắt nhìn, nụ cười hiền hậu đã ám ảnh ông, thôi thúc ông viết bài thơ chứa chan tình cảm: “Mẹ ngồi vá lại làn gió mùa thu Sầu thương hóa núi lời ru về trời Tay ôm từng mối, Nối quãng đời hoa Mỗi màu một quãng Mẹ thêu đời mình”. (Trích bài thơ “Mẹ ngồi vá lại”) Ông vinh dự là học trò của nhà thơ, liệt sĩ Trần Quang Long trong khoảng thời gian nhà thơ về Cần Thơ dạy học. Những vần thơ nóng hổi, tràn đầy nhiệt huyết và lòng yêu nước đã gieo vào lòng cậu học trò Nguyễn Văn Chính thời đó nhiều suy nghĩ và khi sáng tác, ông luôn nghiền ngẫm về những điều này để thổi lửa, giao tình vào trong ca khúc của mình, cộng với những trải nghiệm cuộc sống của chính ông, làm nên những tác phẩm nghệ thuật đọng lại trong lòng mọi người. ***Chia tay ông, tôi nhớ mãi nụ cười hiền trìu mến của người nghệ sĩ trưởng thành từ phong trào và chưa từng nhận mình là nghệ sĩ, chỉ là người nông dân hay viết. Hiện tại, ông vẫn là người nông dân chính hiệu, khi vẫn lấy thú vui nuôi heo, nuôi vịt, làm ruộng là nguồn vui, giúp ông hiểu và viết hay hơn về người nông dân quê mình…
Bài, ảnh: VĨNH TRÀ |