BP - Vừa rồi có việc ra Hà Nội,ảichửitụclagravesagravenhđiệkết quả tỉ số ngoại hạng anh từ Sân bay Nội Bài về Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khoảng 25km, tôi lên 1 chiếc taxi. Anh lái xe rất trẻ ân cần nở nụ cười tiếp thị, xách va li và mở cửa xe cho khách. Đi được chừng hơn cây số, thấy taxi không có đồng hồ báo chặng đường đi nên tôi hỏi hết bao nhiêu tiền? Anh nhoẻn cười dễ thương và vui vẻ nói: Cô cho con xin “lăm” trăm ạ (năm trăm ngàn đồng). Thấy bị “chặt chém”, tôi yêu cầu cho xuống xe và trả tiền quãng đường đã chạy hơn cây số. Lập tức anh ta trở mặt: Con đã bỏ một mối khách để chở cô, giờ cô xuống giữa đường thế “lày” thì phải bồi thường cho con. Cãi qua cãi lại một hồi, anh ta chốt: “Lấy giá hữu nghị bốn trăm ngàn đồng, không đi thì bồi thường ba trăm ngàn”. Biết gặp phải kẻ bặm trợn, tôi đành nén giận đi tiếp cho qua chuyện.
Nhưng kể từ đó, cái vẻ ân cần, chu đáo của anh ta biến mất. Thay vào đó là một thái độ bất lịch sự đến khó chấp nhận. Trên xe chỉ có hai người, nhưng anh ta gọi điện thoại liên tục chửi một người nào đó, chửi rất tục tĩu. Những ngôn từ bẩn thỉu tuôn ra không ngớt. Có vẻ như mục đích của anh ta là để khủng bố tinh thần tôi vậy. Rồi cũng kết thúc chặng đường phải đi. Tôi thở phào bước xuống xe, trả tiền mà không nhìn vào mặt anh ta. Gặp lại bạn bè ở Hà Nội, tôi đem nỗi bức xúc của mình ra chia sẻ, ai cũng cười cười. Tôi hỏi sao lại cười thì tất cả đều nói: Giới trẻ Hà Nội giờ thế cả, chửi tục là thể hiện sự “sành điệu”, không chửi tục là “không bình thường”. Mà không chỉ người trẻ, người không còn trẻ cũng nói bậy, chửi tục! Tôi không tin, nhưng suốt thời gian lưu lại Hà Nội, khi có dịp ra chợ, tôi để ý lời ăn tiếng nói của cả người bán, người mua và chợt nhận thấy người Hà Nội bây giờ khác xưa nhiều quá. Chỉ cần trả chưa tới giá mà bỏ đi là bị chửi; chọn hàng xong không thỏa thuận được giá cũng bị chửi; đứng trước hàng người ta mà không mua cũng bị chửi... Người bán chửi, người mua chửi lại. Và nhiều người chửi rất ngoa ngoắt, có bài bản. Nếu như ngày trước, thấy một vài người có thói quen nói tục, chửi bậy thì sẽ có người nhắc nhở. Còn bây giờ chẳng ai buồn nhắc nữa, bởi ai cũng chửi bậy thì ai nhắc ai? Mà có nhắc không chừng mình lại bị chửi ngay. Nghe mãi thành quen, người ta không còn thấy ngượng tai khi nghe người khác nói tục, chửi bậy nữa.
Không chỉ ngoài chợ, đi xe buýt, taxi hay ngồi ở nơi công cộng đều dễ dàng nghe những câu chửi tục của người xung quanh. Thậm chí ở Hà Nội còn có những quán “bún chửi” nổi tiếng tới mức lên sóng của kênh truyền hình CNN. Người dẫn chương trình này đã gọi đó là “món ăn đặc sắc của người Hà Nội”. Ở những quán ăn này, khách vẫn xếp hàng nườm nượp, chen vai thích cánh để ăn uống dù có thể bị chủ quán chửi bằng những ngôn từ không thể tưởng tượng nổi. Nhưng đáng sợ nhất là nghe những người trẻ nói chuyện với nhau. Mỗi câu họ phải đệm vào vài từ tục tĩu. Ngay cả những em tuổi học sinh, lúc ở trường thì nói năng lịch sự, nhưng ra khỏi cổng trường thì ôi thôi không thể tin nổi đó là ngôn từ của học sinh. Có người lý giải: giới trẻ văng tục, chửi bậy là để xả stress. Họ muốn thể hiện cá tính, phá vỡ những giới hạn chuẩn mực để tạo dựng giá trị mới. Tôi không thể nào đồng tình với lời giải thích đó. Cho dù có cởi mở đón nhận những điều mới mẻ đến đâu nhưng nói tục, chửi bậy đã làm đảo lộn nhiều giá trị trong ngôn ngữ và đạo đức, không thể chấp nhận được. Tôi có người bạn quê Thanh Hóa công tác phía Nam đã nhiều năm nay. Anh tâm sự, khi mới vào Nam luôn tâm niệm nghỉ hưu sẽ trở về Bắc sống. Thế nhưng qua một đợt tập huấn dài ngày ở Hà Nội, anh phải di chuyển trên xe buýt và nghe cả người soát vé lẫn khách đi xe nói tục, chửi bậy, anh đã bỏ hẳn ý định quay về Bắc sống.
Sẽ có người phản đối khi đọc bài này, nhất là những người đang sống ở Hà Nội hay miền Bắc nói chung, rằng không nên “vơ đũa cả nắm”. Vâng, tôi không hề khẳng định tất cả mọi người Hà Nội, người miền Bắc đều nói tục, chửi bậy. Vẫn có rất nhiều người nói năng từ tốn, cư xử bặt thiệp, giữ cốt cách của người Tràng An, nhưng không thể phủ nhận tình trạng nói tục, chửi bậy đã và đang trở thành phổ biến trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Chợt nhớ tháng ba năm ngoái, người Hà Nội xôn xao bàn tán việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02 về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có nội quy “nghiêm cấm người dân làm mất an ninh trật tự, nói tục, chửi bậy...”. Trước đó, tháng 5-2014, Văn phòng UBND TP. Hà Nội cũng ban hành quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở, trong đó có chi tiết “cấm công chức nói tục”. Người viết lên án việc nói tục, chửi bậy, song rõ ràng việc “luật hóa” hành vi này không mang tính khả thi. Nếu thông tư ban hành mà không đi vào đời sống sẽ dẫn tới hệ lụy khinh nhờn tính nghiêm minh của pháp luật. Chúng ta từng luật hóa việc cấm hút thuốc nơi công cộng và kết quả là quy định chỉ nằm trên giấy.
Với việc nói tục, chửi bậy, căn cốt của vấn đề phải là tăng cường giáo dục, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh. Ở một nơi không ai nói tục, chửi bậy thì người làm khác đi sẽ bị cô lập. Người ta chỉ ngưng nói tục, chửi bậy khi bản thân coi đó là hành vi vô văn hóa, đáng xấu hổ chứ không phải là việc xử phạt.
Thảo Linh