Các chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh phải phục vụ đại đa số cộng đồng DN. Ảnh: H.Dịu Đây là ý kiến được nhiều DN đề cập tại Diễn đàn “Cải thiện môi trường kinh doanh cho DN Thủ đô” do Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội tổ chức vào ngày 27-9 tại Hà Nội.
Báo cáo tại hội nghị, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho biết, việc giảm thời gian, chi phí thực hiện theo các quy định của Nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh như: thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… đã được các cơ quan ban ngành triển khai tích cực, tạo thuận lợi cho DN.
Tiêu biểu, từ tháng 6-2016, Hà Nội thực hiện đăng ký thành lập DN mới qua mạng trong 2 ngày làm việc (trước 1 ngày so với yêu cầu của Luật DN); tính đến cuối tháng 5-2016, hơn 110.000 DN đăng ký nộp thuế điện tử, chiếm 95,7% số DN hoạt động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 19 đặt ra.
Trong lĩnh vực hải quan, từ cuối năm 2015, Cục Hải quan Hà Nội đã triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung thứ hai trên cả nước cùng với quy chế phối hợp, đã giúp giảm thời gian trả kết quả từ 3-5 ngày so với trước đây, giảm thời gian lưu kho bãi, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu được thông thoáng, tập trung theo cơ chế một cửa liên thông.
Đánh giá cao về việc cải thiện môi trường kinh doanh vừa qua, nhưng ông Trương Ngọc Toán, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần 22 cho biết, mặc dù các cơ quan ban ngành đã đưa ra nhiều chính sách giúp DN thuận lợi hơn cho đầu tư, sản xuất, tuy nhiên, nhiều văn bản còn chồng chéo, thay đổi liên tục hoặc quy định mới ra nhưng phải rất lâu sau mới có văn bản hướng dẫn. Do đó, khi đưa ra các quy định pháp luật mới, các sở, ban, ngành nên ban hành đồng thời văn bản hướng dẫn để DN kịp thời bắt tay ngay vào thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều DN còn cho biết, trong môi trường kinh doanh, việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, nguồn vốn… còn nhiều khó khăn, chưa ưu tiên các DN nhỏ và vừa.
Chính vì thế, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả hơn nữa, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ cần trên tinh thần lấy DN là trung tâm, phải định vị được các DN Việt Nam đang ở đâu trên “bản đồ” kinh doanh thế giới để có những chính sách cụ thể, đi đúng và trúng vào nhu cầu của DN. Hơn nữa, các chính sách cần hướng vào phân khúc ngành nghề có giá trị gia tăng cao, là thế mạnh của các DN giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, gia nhập được chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Mạc Quốc Anh cũng đề nghị, các chính sách phải phục vụ đại đa số cộng đồng DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, như dỡ bỏ hàng rào thuế quan, giảm thuế cho DN nhỏ và vừa.
Đặc biệt với nhu cầu về vốn, các ngân hàng cần cố gắng hơn nữa trong việc hạ lãi suất, lãi suất cho vay chỉ nên từ 6-7%/năm để các DN tiếp cận được nguồn vốn, tăng cơ hội đầu tư. Hơn nữa, các cơ quan thương mại cần tạo nhiều hoạt động giao thương để tăng tính liên kết hợp tác giữa các DN, giữa các địa phương và các đối tác trên thế giới.
“Trong các hoạt động như trên, các cơ quan Nhà nước cần tạo đầu mối để chịu trách nhiệm, tăng cường khả năng giám sát chặt chẽ trong việc nâng cao môi trường kinh doanh cho DN, giúp hoạt động này được tăng cường thực hiện và có hiệu quả thực chất”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh. |