Đề xuất bỏ quy định bắt buộc chuyển đổi hộ kinh doanh Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến DN về Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư và Luật DN do VCCI tổ chức ngày 20/2, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp sẽ sửa đổi 19 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 khoản của Luật Doanh nghiệp. Theo đó, sẽ sửa đổi Điều 3 để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó. Đồng thời, đề xuất bãi bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; chế độ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; chế độ gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới; hay yêu cầu giám đốc, tổng giám đốc phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh và mẫu văn bản ủy quyền… Đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi, bổ sung, Luật sư Lê Văn Hà, Công ty Luật Pathlaw cho rằng, ngay từ phần mở đầu của Luật Doanh nghiệp khi xác định đối tượng điều chỉnh đã không điều chỉnh hoạt động của đối tượng hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Taị Điều 212 lại quy định “buộc” hộ kinh doanh phải sử dụng thường xuyên trên 10 lao động phải chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp. Luật sư Lê Văn Hà cho rằng, xét từ góc độ chính sách, hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng, là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế, với gần 10 triệu việc làm. “Sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp hộ gia đình, doanh nghiệp một chủ là thực tế khách quan, ngay cả các nước phát triển hiện nay vẫn đang duy trì loại hình doanh nghiệp này với rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ. Ví dụ cơ quan SBA của Chính phủ Hoa Kỳ chuyên về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Trong khi đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh lại là đối tượng dễ chịu tác động nhất từ các cam kết về mở cửa thị trường theo WTO, FTA và CPTPP đặc biệt là các hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, dịch vụ…", ông Hà cho biết. Chính vì vậy, theo Luật sư Lê Văn Hà, cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh. Đồng thời, bổ sung 1 chương trong Luật quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ đăng ký kinh doanh; hoặc phải có 1 văn bản luật riêng quy định về hộ gia đình đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, phải bỏ quy định có tính cưỡng ép và thiếu thực tiễn về việc bắt buộc chuyển đổi hộ gia đình đăng ký kinh doanh thành doanh nghiệp tại Điều 212. Xóa bỏ hộ kinh doanh? Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, khi Luật Doanh nghiệp 1999 được xây dựng, mục tiêu là tháo gỡ các rào cản gia nhập thị trường, để người dân không ngần ngại bỏ vốn kinh doanh. Luật Doanh nghiệp 1999 và hai lần sửa đổi đã hoàn thành sứ mệnh này, với sự thuận lợi ngày càng lớn trong thủ tục gia nhập thị trường. Nhưng đã đến lúc, các doanh nghiệp sau khi gia nhập cần phải thực hiện những tiêu chuẩn quản trị theo đúng thông lệ quốc tế. Đây là con đường để doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn lên, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu Ông Hiếu cũng đặt ra câu hỏi nếu đưa hộ gia đình vào Luật Doanh nghiệp thì có tạo ra cú hích lớn hay không khi mà hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp? Bởi hiện nay nhiều người còn đang không hiểu rõ thế nào là hộ kinh doanh, thế nào là doanh nghiệp, và vẫn còn tâm lý cho rằng thành lập hộ kinh doanh sẽ bớt thủ tục và đỡ tốn kém hơn. Đồng thời, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu Luật Doanh nghiệp có chương quy định riêng cho hộ kinh doanh thì cũng chưa biết quy định gì, khó khăn là muốn hộ kinh doanh phát triển chính quy để họ tạo ra lợi ích nhưng vấn đề là làm thế nào. Trái ngược với quan điểm trên, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Lê Xuân Hiền, Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương, Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư lại cho rằng, cần xóa bỏ hộ kinh doanh thì ngay lập tức có thể công bố Việt Nam có tới 2 triệu doanh nghiệp. Mà muốn như vậy, chúng ta phải tuyên truyền cho hộ kinh doanh hiểu, không dùng đến mệnh lệnh hành chính mà phải nói rõ doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh là như nhau và đều phải có trách nhiệm như nhau. “Bản thân doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh là bằng nhau về tư cách, chỉ khác về cơ quan đăng ký, đây là điều mà hiện nay rất nhiều người nhầm. Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân đăng ký cấp tỉnh còn hộ kinh doanh thì đăng ký ở phòng tài chính cấp huyện”, ông Hiền nhấn mạnh. Đồng tình với quan điểm của ông Lê Xuân Hiền, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC cũng cho rằng, cần loại bỏ hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty. Bởi hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh (khác với hộ kinh doanh không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh) là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên, bản chất chính là và phải là doanh nghiệp tư nhân. |