Bảo tàng tư nhân Phước Trang của NNC Trần Đình Sơn sở hữu nhiều cổ vật quý
Đưa cổ vật hồi hương
Việc tìm kiếm,ânquýcổvậkqbd.c1 sưu tầm cổ vật đưa về Huế được đặt ra từ lâu, cũng là điều những người làm công tác văn hóa, di sản luôn ao ước. Tuy nhiên, những khó khăn về cơ chế, nguồn lực kinh tế và chính sách huy động xã hội hóa là thách thức lớn đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Để bảo vệ vẹn toàn và từng bước quy tụ những cổ vật vốn ra đi từ Huế, cần những kế hoạch dài hạn và giải pháp cụ thể, đòi hỏi trí tuệ, tâm sức của nhiều thế hệ người Việt.
Để mang về cho quê hương những cổ vật vốn có của lịch sử, việc tham gia đấu giá trên trường quốc tế là cần thiết nhưng kinh nghiệm, nguồn lực và cả cơ chế tham gia đấu giá hiện còn đang thiếu. Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, những quy định liên quan đến cổ vật theo Luật Di sản vẫn chưa đầy đủ, cần có sự điều chỉnh phù hợp, trong đó khuyến khích việc mua bán, trao đổi, sưu tầm cổ vật từ nước ngoài đưa về. Khi mua được chiếc xe kéo của Thái hậu Từ Minh đưa về nước, theo quy định, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải đóng thuế 10% giá trị cổ vật, xấp xỉ 130 triệu đồng. Lúc ấy, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn thuế. Từ khởi đầu này, những cổ vật do Nhà nước đấu giá khi đưa về nước sẽ được miễn thuế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, câu chuyện hồi hương cổ vật không chỉ cần nỗ lực của tỉnh mà phải có “bàn tay của Chính phủ” trong việc lập kế hoạch đòi cổ vật quý theo công ước quốc tế, thông qua con đường ngoại giao. Cuộc vận động hồi hương cổ vật cũng phải được tiến hành đồng bộ với nhiều giải pháp, từ tham gia đấu giá để mua lại những cổ vật có giá trị đến việc vận động xã hội sưu tập hiện vật, có chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, kêu gọi kiều bào cùng chung tay sưu tầm và đưa cổ vật về quê hương. “Có thể tham khảo cách làm của một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản… trong việc vận động tổ chức, cá nhân mua lại bảo vật, cổ vật quý mang về tặng lại cho quê hương, hoặc chính sách của Trung Quốc trong việc thu gom cổ vật thất tán bên ngoài”, ông Hoa đề nghị.
Bà Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đề xuất, cần có cơ chế chủ động hơn cho việc sưu tầm cổ vật. Trong đó, phải hướng đến mục tiêu thành lập quỹ mua cổ vật từ sự huy động xã hội, những tấm lòng yêu Huế. Như vậy, việc mua cổ vật sẽ không bị ràng buộc bởi những thủ tục, quy trình về mặt tài chính của Nhà nước mà có thể linh động.
Nhiều ý kiến đề xuất, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để “điều tiết” một phần cổ vật của Huế nay đang thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia “trở về” với Cố đô, nhất là những cổ vật cung đình vốn gắn bó với cung điện, lăng tẩm. “Với những cổ vật độc đáo, nếu có hai hiện vật đồng dạng thì một để ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và một để tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; có cái đưa về hiện vật gốc, có cái đưa về phiên bản, có cái phục chế. Nếu được bổ sung thêm nhiều cổ vật cung đình hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sẽ là bảo tàng độc đáo của Việt Nam”, ông Hoa gợi ý.
Chiếc quả trang trí đề tài "Bát tiên" đầu thế kỷ XX của NNC Trần Đình Sơn
Tổng kiểm kê cổ vật
Để đánh giá đúng thực trạng, sưu tầm, phát huy giá trị cổ vật, cần có một cuộc tổng kiểm kê cổ vật ở tầm quốc gia. Với những cổ vật nằm ngoài phạm vi quốc gia, phải có sự hỗ trợ của tùy viên văn hóa ở các nước. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề xuất: “Chủ trương xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương là “thượng phương bảo kiếm” để Huế triển khai nhiều hoạt động bảo tồn di sản, trong đó có việc gìn giữ cổ vật. Tỉnh nên đặt ra đề án tổng rà soát, nghiên cứu, hệ thống hóa, kiểm kê tất cả các hiện vật liên quan đến Cố đô Huế và chủ trương này phải được Chính phủ đồng ý, hỗ trợ. Nếu làm được, sẽ cung cấp dữ liệu phong phú về văn hóa, lịch sử”.
Theo kế hoạch, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh trong hai năm 2021-2022, trong đó sẽ kiểm kê toàn bộ hệ thống hiện vật ở các bảo tàng, di tích, đình chùa, nhà thờ, trong dân gian… Về sau, tiến tới nghiên cứu, thống kê số cổ vật của Huế đang ở trong nước và nước ngoài. Ông Hải cho biết: “Kiểm kê là bước đầu tiên để nhận thức đúng về kho tàng cổ vật chúng ta có, từ đó tranh thủ ý kiến của những người liên quan để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. Có như vậy, mới đánh giá hết tiềm năng và định hướng cơ chế thu hút, khai thác, phát huy giá trị cổ vật trong tương lai”.
Muốn khai thác, phát huy tốt giá trị hiện vật, cổ vật, các bảo tàng cần được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người. Hiện nay, Huế chưa đủ điều kiện để hình thành bảo tàng quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu trưng bày cổ vật theo chuẩn của ngành bảo tàng học. Vì vậy, cần đầu tư xây dựng hệ thống bảo tàng hiện đại, tiến tới bảo tàng số, mang tính đặc thù, đặc trưng văn hóa của Huế. Huế cũng cần hình thành các bảo tàng chuyên ngành để nâng cao vị thế, như bảo tàng văn hóa Chămpa hoặc bảo tàng đồ sứ men lam...
Hỗ trợ bảo tàng tư nhân phát triển
Ngoài vai trò của bảo tàng, sự xuất hiện của các nhà sưu tập cổ vật cũng là cái may cho Huế trong tình trạng cổ vật bị tản mát. Họ mua cổ vật ở Huế, ngoại tỉnh, thậm chí là ở nước ngoài, góp nhặt từng cổ vật rời rạc để hệ thống hóa thành bộ sưu tập. Ở Huế, xu hướng chơi đồ cổ cũng đa dạng, người sưu tầm đồ sứ ký kiểu, người chơi bình vôi, binh khí, nghiên mực, trang phục… hình thành các bộ sưu tập tư nhân khá phong phú.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhận xét: “Nguồn cổ vật trong tư nhân rất phong phú. Tùy theo sở thích riêng, các nhà sưu tập đầu tư nhiều công sức, tiền bạc để sưu tầm những bộ sưu tập độc đáo. Nếu chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hợp tác, giao lưu để tổ chức trưng bày, triển lãm thì chắc chắn phát huy được giá trị của loại hình di sản văn hóa vật thể đặc biệt này”.
Với các nhà sưu tập, sưu tầm cổ vật không chỉ để thỏa đam mê, mà còn là cách họ gìn giữ cổ vật cho Huế. Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng đau đáu: “Hiện nay, cổ vật thuộc hàng quý của Huế nằm ở các tỉnh và nước ngoài rất nhiều, thậm chí còn nhiều hơn ở Huế. Chúng tôi rất tâm huyết, nhiều món ao ước đưa về Huế nhưng không đủ kinh phí”.
Nhiều cổ vật quý thuộc các nhà sưu tập tư nhân vẫn chưa thể phát huy giá trị, mỗi người một cách quản lý tùy theo điều kiện riêng. Việc khuyến khích hình thành các bảo tàng tư nhân, xây dựng các bộ sưu tập tư nhân là cách tốt nhất để các nhà sưu tập có thể giới thiệu, quảng bá giá trị cổ vật đến người yêu cổ ngoạn.
Cùng với hệ thống bảo tàng công lập, bảo tàng ngoài công lập đang dần đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, mở ra xu thế mới cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa Huế đến công chúng. Tuy nhiên, đa số các bảo tàng ngoài công lập ra đời dựa trên sự đam mê về cổ vật, các loại hình mỹ thuật, nghề truyền thống..., trưng bày dựa trên những sưu tập hiện vật đã có, thiếu kinh phí để tổ chức trưng bày, triển lãm, chưa thường xuyên tiến hành đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nên chưa thu hút được số lượng lớn khách tham quan.
TS. Phan Thanh Hải cho hay, nhằm khai thác hiệu quả giá trị của các bảo tàng ngoài công lập, ngoài chính sách chung, Sở Văn hóa và Thể thao đang tham mưu đề xuất tỉnh xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các bảo tàng ngoài công lập ra đời và phát triển, như: Hỗ trợ thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng; hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm; phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; quảng bá hình ảnh…
Bài, ảnh: Minh Hiền