VHO - Chợ biên giới Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn,ênchợĐoànKếtsaychấtmặnnồkết quả nauy Nghệ An) nằm cách thị trấn Mường Xén chừng hơn 20 cây số, thường được người dân hai nước Việt - Lào gọi bằng cái tên thân mật là chợ Đoàn Kết. Nơi đây không đơn thuần là không gian trao đổi, giao thương hàng hóa mà còn là nơi giao tình hữu hảo, những nét đẹp văn hóa Việt Nam - Lào.
Chợ nằm sát cửa khẩu của hai nước Việt Nam và Lào. Để tới chợ người dân phải đi qua cửa khẩu của nước mình. Do mối quan hệ kết nghĩa thâm tình của hai huyện Kỳ Sơn và huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, nên việc đi lại của người dân rất thuận lợi và được tạo điều kiện cho hoạt động giao thương tại đây. Trước, chợ chỉ họp hai phiên trong tháng, nhưng nay nhằm góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, chính quyền hai bên đã tăng lên bốn phiên/ tháng.
Nơi giao lưu văn hóa
Chúng tôi ngược lên cửa khẩu Nậm Cắn vào buổi sáng sớm trung tuần tháng 11. Dù đã tảng sáng nhưng trên nhiều cung đường ở đỉnh núi cao vẫn đặc quánh sương giăng. Vượt qua những đoạn đường đèo dốc cao uốn lượn mềm mại ẩn hiện trong sương sớm, chúng tôi có mặt ở chợ Đoàn Kết khi ánh nắng vàng đã kịp nhuộm trên từng cành cây, ngọn cỏ. Nắng hửng lên, con đường dẫn đến khu chợ dường như chật hẹp lại vì dòng người và phương tiện ra vào tấp nập.
Dạo một vòng quanh chợ, quan sát trang phục, khuôn mặt những người đến chợ, chúng tôi thấy có đến hơn một nửa trong số họ đến từ nước bạn Lào. Tại chợ phiên Đoàn Kết hôm nay, văn hóa trang phục được đồng bào các dân tộc thể hiện rõ nét. Những chàng trai, cô gái Mông, Thái… và Lào xúng xính trong bộ trang phục truyền thống với đôi má đỏ hây trong ánh nắng buổi sớm thu. Chợ phiên Đoàn Kết là nơi quy tụ muôn sắc về văn hóa của các đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... và người dân Lào. Từ các sản vật ẩm thực cho đến trang phục hay đồ dùng vật dụng đều được bà con dân bản, làng mang ra trao đổi, mua bán. Điều đặc biệt nhất ở khu chợ vùng biên này chính là những sản vật được cư dân nơi biên giới thu hái từ chính vùng đất này. Bên cạnh đó còn có nhiều loại hàng hóa từ nhiều vùng miền cũng được đưa lên đây, trong đó phần lớn là thực phẩm.
Mặt hàng chủ lực của người Việt ở phiên chợ chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ gia dụng... Còn tiểu thương Lào lại cung ứng thổ cẩm, ẩm thực cho du khách đi chợ. Cải Mông, gà đen là những thực phẩm ưa thích của người Việt, trong khi đó bạn Lào lại chú ý đến muối, mực khô, cá biển, cá đồng... Người mua lẫn người bán cùng ngắm nghía thật lâu món hàng mình ưa thích. Được hòa mình trong các hoạt động của phiên chợ, chúng tôi thấy việc mua bán giữa người dân hai nước diễn ra rất vui vẻ, thân tình. Người bán rất chiều khách, còn người mua tha hồ trả giá, sau đó muốn trả bằng tiền Việt hay tiền Lào đều được. Tuyệt nhiên không có chuyện cãi cọ, lớn tiếng. Điều thú vị là, dù đã rất cố gắng nhưng chúng tôi vẫn không thể theo dõi đầy đủ một cuộc trao đổi, mua bán nào giữa người Việt và Lào bởi họ sử dụng cùng lúc cả hai ngôn ngữ Việt - Lào xen lẫn và rất trôi chảy. Dừng bước ở các gian hàng ẩm thực, một không gian luôn tấp nập thực khách ghé thăm vì những món ăn đặc sản đến từ hai nước, những bếp lò than hồng đang rực lửa, khói xanh nghi ngút với mùi thơm nức bốc ra từ những cặp gà đen cùng tảng thịt vừa chín tới. Ở đây có rất nhiều chàng trai và cô gái, bất kể già hay trẻ. Mọi người đều dùng tay để vắt xôi, xé thịt gà nướng và trộn một ít rau rừng chấm với muối mắc khén, nước mắm, nước tương đỏ cay. Họ cùng nhau nâng ly chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Âm thanh của những buổi trao đổi, trò chuyện ấy cứ râm ran mãi.
Thắm tình hữu hảo
Bên cạnh việc thông thương hàng hóa, chợ phiên Đoàn Kết còn là nơi gặp gỡ và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc của Nghệ An và đồng bào bào dân tộc Lào. Mỗi phiên chợ đều được các tiểu thương, bà con các dân tộc Việt - Lào xem như ngày hội. Ngoài mục đích xuống chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa, đây cũng là dịp để nghỉngơi, giao lưu, gặp gỡ và còn là nơi để các chàng trai, cô gái tỏ tình.
Ngoài ý nghĩa thương mại, chợ phiên còn là nơi thể hiện rõ nét những bản sắc văn hóa, những đặc trưng truyền thống, những phong tục tập quán của từng dân tộc vùng cao Kỳ Sơn. Những nét đẹp truyền thống cùng với những giá trị về tinh thần đó đã và đang được địa phương chọn lọc, duy trì và phát triển. Nơi đây thực sự là một điểm hẹn văn hóa trong tiềm thức của mỗi người khi đến thăm mảnh đất miền biên viễn Kỳ Sơn. Thông qua phiên dịch, chúng tôi được nghe chị Lita Mannivong (tỉnh Xiêng Khoảng) chia sẻ: “Tôi bán hàng từ năm giờ sáng đến ba giờ chiều, mặt hàng tôi bán đặc trưng của Lào, khách mua có cả người Việt, người Lào. Tôi rất thích bán hàng ở chợ Đoàn Kết này, người Việt rất vui vẻ, thân thiện và tình cảm. Đến chợ vừa bán hàng vừa được gặp gỡ, giao lưu cùng với người Việt và người Lào làm tôi rất vui…”.
Chúng tôi bắt gặp chàng trai người dân tộc Thái Lang Bá Hải (trú ở huyện Quế Phong, Nghệ An). Anh đã vượt hàng trăm cây số đường núi, rừng đến chợ không phải để mua bán mà đơn giản chỉ muốn gặp gỡ bạn bè giao lưu. “Cứ hôm nào đến phiên chợ là mình lên đây để gặp gỡ bạn bè giao lưu. Mình thích không khí, không gian và cả những con người nơi đây nữa. Thích là mình lên thôi…”, anh Hải với khuôn mặt rạng ngời chia sẻ. Trò chuyện với chị Cụt Thị Hà (trú tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) lên đây buôn bán đã lâu năm, chị tâm sự: “Buôn bán ở đây không thể giàu được, dù buôn bán ở chợ khác lớn hơn nhưng tôi vẫn cứ luôn nhớ ngôi chợ này. Có lẽ, cái “hồn” của chợ đã thấm sâu trong tâm trí của tôi và mọi người rồi. Đó là thứ khiến cho mọi người gắn bó với nhau”. Chị Hà kể tôi nghe một câu chuyện rất xúc động: Hôm ấy đã gần trưa, chị nhận được tin người nhà bị tai nạn đang cấp cứu ở bệnh viện huyện. Trong khi đó hàng thực phẩm còn gần 50 kg, giá trị gần 15 triệu. Thế là không ai bảo ai, các tiểu thương ở chợ mỗi người lại mua một ít về ăn, người thì lấy hộ bán giúp chị, người gửi tiền thăm hỏi người nhà. Chỉ trong vòng 30 phút gần 50 kg thực phẩm của chị đã hết sạch.
Đến chiều chợ vãn dần, mọi người tranh thủ chất hàng lên gùi, lên xe để về nhà kẻo mặt trời khuất núi. Những cô gái Mông má đỏ hây hây đi trong nắng chiều thành từng nhóm với gương mặt rạng rỡ, hạnh phúc. Sau một ngày gặp gỡ bạn bè, trao nhau địa chỉ và số điện thoại giữa chợ, ai ai cũng chứa đầy niềm vui. Chỉ tạm xa nhau vài ngày thôi, mọi người lại tiếp tục gặp nhau ở phiên chợ tuần tới. Đó dường như là chất kết dính, lưu giữ trong nhau những tình cảm mà chợ phiên Đoàn Kết đã hun đúc, tạc thành giá trị.