Mưa dầm và kèm theo giông lốc trong những ngày qua đã làm đổ ngã hàng loạt diện tích lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch,ănlaHthucuốivụkqbd hn hom nay làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân tại nhiều cánh đồng lúa ở huyện Long Mỹ thu hoạch lúa Hè thu.
Mất thu nhập lớn vì lúa sập
Sau thành công của vụ lúa Đông xuân nên nhiều nông dân trên địa bàn xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, tiếp tục chọn giống lúa đặc sản ST24 và ST25 để sản xuất vụ Hè thu. Cứ nghĩ niềm vui lúa trúng mùa, bán được giá cao sắp đến thì bất ngờ xuất hiện mưa dầm kèm theo giông lốc làm cho bà con phải đối mặt với tình cảnh huề vốn, thậm chí thua lỗ.
Với vẻ mặt buồn bã khi nhìn ra 5 công ruộng phía sau nhà bị mưa kèm theo gió mạnh làm sập hoàn toàn trong nhiều ngày qua, ông Hồ Thanh Trường, ở ấp Long Bình 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, thông tin trong tiếc nuối, với gần 200 công lúa Hè thu ở cánh đồng này được ông và nhiều bà con nơi đây chọn sạ giống lúa chất lượng cao ST24 và một phần là ST25. Khi chỉ còn 2-3 ngày nữa là thu hoạch thì hầu hết bà con đều đánh giá năng suất lúa sẽ đạt không dưới 700kg/công và giá bán được hợp đồng từ trước với doanh nghiệp là 6.100 đồng/kg đối với giống lúa ST24 và giá 8.200 đồng/kg đối với giống lúa ST25. Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp đến thì xuất hiện bão số 2 gây ra mưa dầm liên tục trong nhiều ngày và kèm theo giông lốc đã làm sập hoàn toàn tất cả các diện tích lúa nơi đây. Hiện tại, lúa đã quá ngày cắt nhưng chưa thể thu hoạch do thời tiết mưa liên tục khiến bà con lo lắng. “Dù nông dân tích cực bơm rút nước mưa trên ruộng ra ngoài nhưng do bị sập nhiều ngày nên hạt lúa trên bông đã lên mộng khá nhiều. Với tình cảnh hiện tại, năng suất lúa cao lắm cũng dao động từ 300-500kg/công. Như vậy, với việc giảm năng suất khoảng phân nửa so với lúa đứng bình thường thì 5 công lúa của gia đình trong đợt thu hoạch lần này sẽ mất khoảng 2 tấn lúa, tương đương số tiền 12 triệu đồng”, ông Trường thông tin thêm.
Bị thiệt hại nặng hơn, ông Phạm Văn Phước, ở cùng ấp Long Bình 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, cho hay: “Hơn 1ha lúa của gia đình tôi đều sạ giống ST25, với giá bán được hợp đồng từ trước là hơn 8.000 đồng/kg nên khi nhìn thấy lúa sập nhiều và chắc chắn sẽ giảm năng suất khi thu hoạch thì trong lòng tôi xót lắm. Bởi làm giống lúa thơm thì chi phí cao hơn nhiều so với lúa thường, riêng phần lúa giống là tôi phải mua đến 35.000 đồng/kg (giống ST25 và mỗi công sạ 10kg), còn những bà con canh tác giống ST24 cũng mua lúa giống với giá 22.000 đồng/kg. Như vậy, tổng chi phí đầu tư cho mỗi công lúa dao động từ 1,5-2 triệu đồng. Do đó, với năng suất chỉ còn 300-500kg/công thì coi như bà con chỉ huề vốn sau khi cắt lúa là mừng, riêng hộ nào năng suất thấp hơn thì rơi vào cảnh thua lỗ”. Năm nay, tính nhuần hai tháng 4 âm lịch nên cứ nghĩ thời tiết sẽ thuận lợi, từ đó ông Phước và bà con chọn sạ giống lúa đặc sản. Dù chỉ còn 2-3 ngày nữa là thu hoạch và nông dân sẽ được hưởng niềm vui lúa trúng mùa, trúng giá nhưng nào ngờ mưa chụp đến liên tục đã làm tan biến đi mọi kỳ vọng và đẩy nông dân vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.
Không riêng gì những hộ làm giống lúa đặc sản ở xã Long Phú gặp khó khăn mà nhiều cánh đồng lúa khác trên địa bàn thị xã Long Mỹ cũng rơi vào cảnh tương tự. Điển hình như tại cánh đồng rộng cả trăm héc-ta tại ấp 6, xã Long Trị A, dù nhiều máy cắt đang nằm chờ sẵn dưới ghe nhưng xuất hiện mưa liên tục nên không chỉ làm cho lúa nơi đây bị sập hoàn toàn khá nhiều mà hiện có không ít hạt lúa bắt đầu lên mộng do bị ngâm trong nước nhiều ngày. Với tâm trạng như đang ngồi trên đống lửa khi hơn 1ha lúa của gia đình bị sập khoảng 80% diện tích nhưng vẫn chưa thu hoạch được, ông Trần Văn Hiệu, ở ấp 6, xã Long Trị A, cho biết: “Mấy đợt mưa ban đầu còn cố gắng bơm rút nước, nhưng mưa ngày càng nhiều và diễn ra liên tục nên nước ngập tràn bờ mẫu, từ đó bà con không còn khả năng bơm nữa. Điều lo lắng là lúa đã lên mộng tương đối nhiều nhưng chưa thể cắt vì tiến độ thu hoạch rất chậm do nước ngập, lúa bị sập. Dù giá lúa đang ở mức hấp dẫn là 5.600 đồng/kg đối với giống lúa OM 18, thế nhưng nông dân không vui vì năng suất giảm khá nhiều khi chỉ dao động từ 300-400kg/công, giảm đi phân nửa so với lúa không bị sập nên giá càng cao thì bà con càng tiếc vì mất nguồn thu nhập khá lớn”.
Chung cảnh ngộ, ông Lư Chí Trung, ở khu vực 4, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, cho hay: “Gia đình tôi có 4ha lúa, nhưng hiện chỉ mới cắt được 6 công vì mưa dầm. Nếu lúa không bị sập thì năng suất cũng đạt từ 800-900kg/công nhưng giờ chỉ còn chừng 500kg/công. Như vậy, với việc mỗi công giảm từ 300-400kg thì 4ha đã mất hơn 12 tấn lúa, với giá bán hiện tại là 5.500 đồng/kg thì vụ lúa này gia đình tôi mất nguồn thu nhập hơn 60 triệu đồng”.
Nhiều nông dân trồng giống lúa ST24 và ST25 ở xã Long Phú đang xót lòng khi ruộng lúa bị sập hoàn toàn làm thiệt hại về năng suất và mất nguồn thu nhập.
Giữ giá thu mua như hợp đồng
Nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa Hè thu cuối vụ tại một số địa phương như thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh với tổng diện tích còn lại gần 10.000ha trong tổng số 77.339ha đã xuống giống. Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh, tình hình mưa dầm kèm theo giông lốc trong những ngày qua đã làm đổ ngã hơn 718ha lúa Hè thu trong giai đoạn trổ chín đến thu hoạch, tỷ lệ đổ ngã từ 10-100% trên cùng diện tích, ước thiệt hại về năng suất từ 5-20%. Dù lúa có đổ ngã nhưng điều đáng mừng là qua ghi nhận của chúng tôi, hiện thương lái thu mua lúa cho nông dân tại nhiều cánh đồng lúa Hè thu cuối vụ trong tỉnh không giảm giá mua so với hợp đồng ban đầu.
Ông Nguyễn Văn Thức, một thương lái đang thu mua lúa cho nông dân ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, thông tin: “Do ảnh hưởng thiên tai nên bà con lẫn doanh nghiệp đều gặp khó trong mua bán lúa. Tuy nhiên, hiểu được nỗi vất vả và nhiều khó khăn mà nông dân gặp phải khi lúa bị sập làm giảm năng suất, chi phí thuê mướn nhân công thu hoạch tăng và nhiều khoản tăng khác nên dù lúa bị ướt, độ ẩm tăng và sẽ hao hụt nhiều trong quá trình sấy khô, thế nhưng chúng tôi vẫn giữ mức giá thu mua như hợp đồng từ trước cho bà con với giá lúa dao động từ 5.300-5.800 đồng/kg (đối với 3 loại giống là OM 5451, OM 18 và Đài Thơm 8). Hiện tại, tôi còn khoảng 700 công lúa đã hợp đồng với bà con ở thị trấn Vĩnh Viễn đang nằm chờ cần bán gấp, nhưng do mưa dầm làm dồn công cắt nên tôi đang tranh thủ giải quyết cho từng hộ trong thời gian sớm nhất. Việc bà con làm lúc này là cố gắng bơm rút nước trên ruộng được khô để tranh thủ thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành thu hoạch lúa, khi lúa cắt được bao nhiêu thì tôi sẽ cân hết bấy nhiêu”.
Việc thương lái đang giữ giá thu mua lúa như hợp đồng ban đầu phần nào giảm gánh nặng cho người dân có lúa đang trong giai đoạn thu hoạch. Bà Nguyễn Thị Bé Ba, ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Hơn 5 ngày qua, tôi đã tốn hơn 40 lít dầu để bơm rút nước cho gần 3ha lúa của gia đình. Từ chỗ đánh giá lúa trúng mùa khi đạt khoảng 800kg/công, nhưng giờ lúa bị sập nằm trong nước khá nhiều nên không biết thiệt hại về năng suất tới đây như thế nào. Tuy nhiên, bù lại là thương lái vẫn giữ giá thu mua là 5.600 đồng/kg (giống lúa OM 18) nên tôi và bà con ở đây phần nào cũng an tâm. Chứ lúa thất mà giá giảm nữa thì nông dân gặp khó lắm. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, hiện một số hộ đã thu hoạch xong và dù không mấy vui nhưng cũng chấp nhận được trước ảnh hưởng của thiên tai. Hy vọng thời tiết trong những ngày tới sẽ nắng nhiều để bà con thu hoạch dứt điểm diện tích lúa còn lại”.
Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Đơn vị đang đề nghị các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác thăm đồng, kịp thời ghi nhận và theo dõi tình hình thiệt hại trên lúa Hè thu cuối vụ do mưa bão gây ra. Trong đó, tổ chức vận động nông dân thu hoạch sớm đối với trà lúa Hè thu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, đồng thời tích cực chủ động bơm tác nước trên ruộng ra ngoài nhằm chống ngập úng và thuận tiện cho máy cắt vào thu hoạch, tránh thu hoạch lúa bằng tay sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho bà con.
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC