Công khai doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH Góp ý về một số quy định tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng BHXH cho người lao động đến cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) đề nghị quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng. Đại biểu Vương Thị Hương kiến nghị cần quy định chế độ công khai rộng rãi về thông tin tình hình nợ, số nợ, thời gian nợ, chậm đóng, trốn đóng BHXH của các tổ chức, doanh nghiệp, để người lao động có thể theo dõi, có thêm thông tin trong việc lựa chọn tham gia thị trường lao động. Phân tích kỹ hơn về một số vấn đề còn băn khoăn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) nêu, về biện pháp xử lý vi phạm về chậm, trốn đóng BHXH đối với doanh nghiệp, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, quy định này vẫn có sự chưa tương thích giữa Luật Bảo hiểm y tế. Vì thế, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định rõ trách nhiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và xử lý hoặc chế tài đối với doanh nghiệp đã vi phạm. Hơn nữa, về chính sách của Nhà nước đối với BHXH về hỗ trợ tín dụng, đại biểu đánh giá, đây là chính sách hỗ trợ của Nhà nước hết sức nhân văn cho người lao động có thời gian đóng BHXH nhưng mất việc làm, tuy nhiên dự thảo luật cũng nêu rất ngắn gọn, chưa tường minh. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ, đối với quá trình phát triển của mỗi doanh nghiệp, người lao động chính là tài sản, là nguồn lực sản xuất, là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp. Do đó, việc chăm lo, bảo vệ và tạo ra phúc lợi lâu dài cho người lao động, xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, bền vững, tiến bộ cũng chính là yếu tố sống còn giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Nên đại biểu cho rằng, để đánh giá các tác động của các chính sách mới thì Ban soạn thảo cân nhắc thời điểm thông qua Luật này. Cũng về thời gian thông qua, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng kiến nghị xem xét thông qua dự án Luật BHXH (sửa đổi) tại Kỳ họp sau để có thêm thời gian đánh giá sự ổn định cũng như đánh giá tác động thực tế của các chính sách cải cách tiền lương đối với chính sách BHXH cũng như các dự án luật liên quan. Theo đại biểu, luật chỉ nên ban hành khi đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng hưởng. “Một đạo luật tốt sẽ tạo ra sự an tâm cho người dân, người lao động và dẫn đến tăng chỉ số giá tiêu dùng, tăng cường kinh tế, an toàn tuyệt đối và tăng trưởng của các quỹ BHXH trong dài hạn và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ”, đại biểu Trần Khánh Thu nêu rõ. Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Luật BHXH (sửa đổi) là 1 trong 10 dự án Luật được Quốc hội xem xét, thông qua . BHXH Việt Nam phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế Trước nhiều ý kiến còn khác nhau của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, BHXH còn rất non trẻ (mới 29 năm) trong khi các quốc gia trên thế giới, chính sách này đã được triển khai vài trăm năm. Mặc dù vậy, Việt Nam đã có 8/9 loại hình BHXH, cơ bản phát triển tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ trưởng khẳng định, chính sách BHXH được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương và được sự ủng hộ của người dân, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ công nhân viên của hệ thống BHXH.
Về một số nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến quy định hưởng BHXH một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là vấn đề nhạy cảm nhất trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và cũng là vấn đề phức tạp nhất. Trên cơ sở Nghị quyết 28 của trung ương với mục tiêu thực hiện được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước để khi người già về hưu đều có lương, có bảo hiểm y tế. Cùng với đó cũng phải quan tâm đến đời sống thực tế bây giờ của người lao động, vì nguyện vọng của một bộ phận người lao động muốn rút BHXH. Vì thế, Chính phủ đã đưa ra hai phương án. Qua nghiên cứu các ý kiến đề xuất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết cũng tính toán đến tích hợp hai phương án như một số đại biểu phân tích, nhưng cộng nhược điểm nhiều hơn là cộng ưu điểm. Hơn nữa, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã lấy ý kiến tác động rộng rãi, trong đó qua báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút bảo hiểm một lần, tuyệt đại bộ phận ý kiến đều chọn phương án 1, rất ít người đề xuất phương án 2. Bộ trưởng cũng tán thành với ý kiến đại biểu cho rằng, cùng với việc có chính sách hạn chế cho rút BHXH một lần, chúng ta có nhiều giải pháp trong đó có các chính sách hỗ trợ người lao động. Về một số kiến nghị tăng các chính sách về thai sản, ốm đau..., Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng rất phù hợp, xác đáng, đúng với thực tế, đúng với nhu cầu và cần phải ghi nhận. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tăng quỹ ốm đau thai sản thì ngân sách hiện nay chưa thể đảm bảo, do vậy trong giai đoạn trước mắt cần đảm bảo hài hòa giữa chính sách, quyền lợi với khả năng cân đối của quỹ, giữa khả năng chi và thu.
|