Trở về khu vực gần Trường Đại học Cần Thơ khu Hòa An,đạihọcởty. le keo thuộc ấp Hòa Đức, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp hôm nay, sẽ cảm nhận được nhiều sự thay đổi của một vùng quê nghèo ngày trước...
Nhờ có sinh viên về học mà cuộc sống của bà con quanh Trường Đại học Cần Thơ, khu Hòa An, ở ấp Hòa Đức, sung túc dần lên.
Hồi đó, nói tới nơi này, người ta nhớ ngay đến ấp nghèo Xẻo Trâm, vì nơi này giáp ấp Xẻo Trâm, một trong những ấp nghèo nhất tỉnh. Còn giờ khi về lại Hòa Đức, thấy lạ lẫm, nhà cửa mọc lên san sát, hàng quán buôn bán tấp nập, đường sá đông đúc… đó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi có dịp về khu vực quanh Trường Đại học Cần Thơ, khu Hòa An. Nếu trước kia, nơi đây chỉ là vùng quê nông thôn cuộc sống bà con gắn liền với đồng ruộng, thì từ khi có sinh viên về học đời sống của mọi người đã sung túc hẳn lên.
Ông Trần Trung Tín, chủ quán ăn gần trường, chia sẻ: “Khu vực này trước đây, người dân chủ yếu sống nhờ thu nhập làm ruộng thôi, dù khu này của Trường Đại học Cần Thơ xây cũng lâu rồi, nhưng chủ yếu để cho sinh viên thực nghiệm thôi. Từ khóa 36, sinh viên bắt đầu về đây học nên số lượng sinh viên ngày cũng đông hơn. Một năm sinh viên học 9 tháng, khu vực này cũng sôi nổi trong khoảng thời gian đó”. Khoảng 5 năm nay, lúc sinh viên đến học, người dân quanh khu vực từ chợ Cầu Móng đến đoạn gần cầu Xẻo Trâm kinh tế cũng khấm khá lên rất nhiều nhờ bán hàng, kinh doanh dịch vụ cho sinh viên.
Tính từ khóa 36 đến nay, Trường Đại học Cần Thơ khu Hòa An đã đón hơn 1.000 sinh viên theo học. Để đáp ứng nhu cầu ăn, ở sinh hoạt cho sinh viên quanh trường các dịch vụ nhà trọ, quán ăn, quán nước, cửa hàng tạp hóa… đã mọc lên rất nhiều. Bà Tuyết, người dân ở đây, nói: “So với mấy năm trước hiện nay, bộ mặt nông thôn ở ấp này đã thay đổi hơn rất nhiều. Các hộ gia đình ở đây, giờ nhà nào có đất trống cũng tận dụng cất quán, xây nhà trọ kinh doanh hết, nhờ vậy cũng kiếm được thêm thu nhập chút đỉnh”.
Với số lượng sinh viên mỗi năm mỗi tăng, việc kinh doanh của người dân quanh trường cũng khá thuận lợi. “Hồi đó, nhà tui đất rộng lắm nhưng chỉ có bỏ trống chứ biết làm gì. Từ hồi sinh viên về đây học, gia đình tui mới tận dụng đất để xây nhà trọ, cất quán bán nước. Đất quanh đây, giờ bán cũng được giá lắm. Nếu so với thành phố lớn thì không bằng, nhưng từ khi có sinh viên về đây học, bà con buôn bán cũng được nên nhà cửa, đường sá sung túc hẳn lên luôn”, bà Tuyết chia sẻ thêm.
Nắm bắt được nhu cầu của các bạn sinh viên ở quanh trường đại học và các trường tiểu học, THCS, THPT quanh khu vực ấp Hòa Đức, các loại đồ ăn nhanh như bánh tráng trộn, chả cá, trà sữa, chè… của cửa hàng anh Phạm Thanh Ngoãn lúc nào cũng tấp nập khách. Anh Ngoãn bộc bạch: “Trước đây, khoảng 9 hay 10 giờ đêm đi ngang khu vực này vắng lắm, nhưng giờ thì đông đúc vui vẻ hẳn. Sinh viên nhiều nên hầu như các quán ở đây ai cũng buôn bán được. Do chủ yếu bán để phục vụ cho sinh viên nên giá cả các loại đồ ăn, thức uống quanh đây đều được bán với giá… sinh viên, từ 10.000-15.000 đồng”.
Cũng từ khi có sinh viên về học, tiệm tạp hóa nhỏ ven đường của mẹ con chị Nguyễn Thị Liên, ở ấp Hòa Đức, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cũng buôn bán khấm khá hơn. Nhờ đó, chị có thêm thu nhập để cho con trai được ăn học đến nơi đến chốn. Chị Liên tâm sự: “Cách đây khoảng 5 năm, quanh đây nhà cửa ít lắm, tại có trường mà chưa có sinh viên học, chỉ thấy có nghiên cứu gì đó, nên đường sá hai bên toàn cây cối rậm rạp. Buôn bán lúc đó cũng ế ẩm lắm. Rồi mấy khu nhà học được xây thêm, có sinh viên về học nên mọi thứ cũng nhộn nhịp hơn. Sinh viên đông thì buôn bán được, nhưng tình hình an ninh trật tự cũng chưa được lắm…”.
“Thấy đời sống kinh tế của bà con phát triển, chúng tôi cũng rất mừng” Nhận xét về đời sống kinh tế và tình hình an ninh trật tự của bà con quanh khu vực gần Trường Đại học Cần Thơ, khu Hòa An, ông Cao Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An, cho biết: “Nhờ được các cấp lãnh đạo quan tâm, đầu tư nên từ khi có sinh viên về đây học bộ mặt nông thôn ở đây cũng thay đổi rất nhiều. Đặc biệt, nhà trọ sinh viên xây dựng cũng nhiều, nhờ đó bà con cũng có thêm thu nhập trang trải đời sống gia đình. Thấy đời sống kinh tế của bà con phát triển, chúng tôi cũng rất mừng. Bên cạnh đó, do số lượng sinh viên đông nên tình hình an ninh trật tự cũng hơi phức tạp. Vì vậy, để đảm bảo an ninh trật tự, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức tuần tra, đặc biệt là các khu nhà trọ. Ngoài ra, địa phương cũng kết hợp với trường để nhắc nhở các em sinh viên”. |
Bài, ảnh: AN NHIÊN