Cuộc hội đàm này sẽ diễn ra bất chấp sự vắng mặt của Iran. Từ đó, cho thấy đã có sự thay đổi trong quan điểm của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ vùng Vịnh bao gồm Ả Rập Xê-út, quốc gia trước đây vẫn luôn khẳng định rằng tất cả các nhà sản xuất lớn cần phải tham gia vào bất kỳ thỏa thuận nào trong khối. Bộ trưởng Năng lượng Qatar, ông Mohammed bin Saleh Al-Sada cho biết, các quốc gia trong khối OPEC và ngoài OPEC sẽ gặp nhau tại Doha trong ngày 17-4, sau khi đạt được thỏa thuận hồi giữa tháng 2 giữa Ả Rập Xê-út, Qatar, Venezuela và Nga (quốc gia nằm ngoài OPEC) để ổn định đầu ra. "Cho đến nay, 15 quốc gia trong và ngoài OPEC, chiếm khoảng 73% sản lượng dầu toàn cầu, đều chủ trương ủng hộ sáng kiến này", ông Sada cho biết. Qatar hiện giữ chức chủ tịch OPEC trong năm 2016 và đang rất nỗ lực trong thể hiện vai trò của mình trong khu vực. Phản ứng trước thông tin trên, giá dầu phiên hôm 16-3 đã tăng mạnh và số liệu cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ giảm. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 4-2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 2,12 USD, tương ứng 5,8%, lên 38,46 USD/thùng, mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ 22-2. Giá dầu Brent giao tháng 5-2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,59 USD, tương đương 4,1%, lên 40,33 USD/thùng. Tuy nhiên, theo đánh giá từ Ngân hàng Citigroup (Mỹ), trong thời gian tới, nguồn cung dầu sẽ tăng bởi ngay khi chạm mức 40 USD/thùng, nhiều công ty sản xuất năng lượng trên thế giới sẽ lập tức mở rộng sản xuất khiến sản lượng tăng. Do đó, khả năng giá dầu sẽ giảm sâu trở lại là điều có thể. Sự miễn cưỡng của Iran khi tham gia vào Hiệp ước này xuất phát từ mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu dầu mỏ của nước này, nhằm khôi phục lại thị phần sau khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ. Theo nguồn tin từ OPEC, hôm 14-3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak sau cuộc hội đàm tại Tehran đã tuyên bố, một thỏa thuận mới sẽ được ký vào tháng 4 tới đây và không bao gồm Iran. Sự vắng mặt của Iran không phải là một rào cản lớn. Ông Novak cho biết, ông đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Năng lượng Qatar, ông Sada và Bộ trưởng dầu mỏ Ả Rập Xê-út, ông Ali al-Naimi trong ngày 16-3. Với thỏa thuận đóng băng này, thị trường dầu sẽ sớm cân bằng trở lại vào cuối năm 2016. Nhưng nếu không có thoả thuận này, cân bằng thị trường dầu mỏ sẽ phải đợi đến cuối năm 2017. Khó xảy ra thỏa thuận "thụt lùi" Một đại biểu trong khối OPEC cho rằng, một Hiệp ước mà không có sự tham dự của Iran không phải là điều gì đó quá tệ. Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu tất cả 13 thành viên OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài sẽ góp mặt đầy đủ hay không. Kuwait và Ả Rập Xê-út khẳng định hai quốc gia này sẽ cam kết đóng băng sản lượng dầu nếu các nhà sản xuất lớn khác cũng tham gia. Ông Novak cho biết Qatar đã gửi lời mời tới tất cả các nước thành viên OPEC cũng như một số quốc gia khác bên ngoài tổ chức. "Sau khi nhận được xác nhận từ các quốc gia, chúng ta mới có thể biết được chính xác có bao nhiêu nước sẽ tham dự. Iran cũng cho biết nước này đã sẵn sàng để tham gia vào cuộc họp chung”, ông Novak cho hay. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận “đóng băng” sản lượng giữa OPEC - Nga xảy ra, lợi thế sẽ nghiêng về các nhà sản xuất dầu của Mỹ. Giá dầu thô, vừa bước ra khỏi "cơn bão" giảm giá, được dự báo sẽ ổn định hơn và có thể lên đến 40 USD/thùng cho đến khi diễn ra cuộc họp của OPEC vào tháng 6. Việc Iraq - nguồn cung lớn nhất của khối OPEC trong năm 2015 sẵn sàng tham gia vào thỏa thuận này là một thông tin rất quan trọng. Baghdad cho biết, sáng kiến đóng băng là chấp nhận được. Theo đánh giá từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), giá dầu trên thế giới đã “thoát đáy” và đang “phục hồi”. Trong báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ vừa được công bố, IEA cho biết xu hướng tăng giá dầu không có nghĩa thời kỳ đen tối của dầu mỏ đã qua đi, song đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy giá dầu đang tăng trở lại. |